Uy lực tiêm kích F-16 của Mỹ viện trợ cho Ukraine

Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất nằm trong số các chiến đấu cơ đang được Không quân Ukraine sử dụng để ngăn chặn các cuộc không kích quy mô lớn của Nga.
Tờ Kyiv Independent dẫn thông cáo của Không quân Ukraine cho biết, Nga đã tấn công quy mô lớn bằng hơn 500 vũ khí trên không bao gồm các loại tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Ukraine từ đêm 28/6 đến sáng sớm 29/6. Trong quá trình ngăn chặn đối phương, tiêm kích F-16 do Trung tá Maksym Ustymenko thuộc Không quân Ukraine điều khiển đã bắn hạ 7 mục tiêu trên không. Tuy nhiên, khi đối đầu với mục tiêu cuối cùng, chiếc F-16 do ông Ustymenko điều khiển đã hư hại và rơi xuống đất.
“Phi công Ustymenko đã cố gắng hết sức để đưa tiêm kích ra khỏi khu dân cư và không kịp phóng ghế ra ngoài”, một đoạn trong thông cáo viết, đồng thời xác nhận phi công đã tử nạn sau khi máy bay rơi xuống đất.
Trang tin quân sự Militarnyi thống kê, đây là vụ rơi máy bay F-16 thứ 4 kể từ khi chiến đấu cơ này được đưa vào biên chế phục vụ quân đội Ukraine.
Quá trình phát triển
Đại tá John Boyd (1927-1997) thuộc Không quân Mỹ đã đưa ra ý tưởng về một loại tiêm kích chiến đấu "kích thước nhỏ và nhẹ, có khả năng hoạt động với mức tiêu hao nhiên liệu tối thiểu nhất có thể" từ những năm cuối thập niên 1960. Vào năm 1969, ông Boyd cùng một số nhân vật có chung chí hướng đã thành công vận động Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ cho các tập đoàn quốc phòng nghiên cứu những loại máy bay chiến đấu dựa trên ý tưởng của mình.
Đến năm 1971, quân đội Mỹ đã thành lập nhóm nghiên cứu thử nghiệm không quân, với đại tá Boyd là thành viên chủ chốt. Nhóm này sau đó đã gửi yêu cầu đến các nhà sản xuất máy bay của Mỹ về dự án chế tạo một tiêm kích chiến đấu hạng nhẹ, có trọng lượng khoảng 9,1 tấn, tốc độ bay nhanh gấp 0,6 – 1,6 lần vận tốc âm thanh và hoạt động ở độ cao tối đa lên tới 12km.
Đến năm 1972, Không quân Mỹ đã lựa chọn 2 mẫu thiết kế Model 401 của tập đoàn General Dynamics và P-600 của công ty Northrop vào chung kết. Cả hai công ty trên sau đó được quân đội Mỹ rót tiền để thực hiện các dự án YF-16 và YF-17.
Về sau, cả hai mẫu YF-16 và YF-17 đều tham gia tranh tài trong dự án Tiêm kích chiến đấu trên không (ACF) mới. Đến tháng 1/1975, Bộ trưởng Không quân Mỹ khi đó là John L.McLucas tuyên bố, YF-16 đã giành chiến thắng trong dự án ACF vì mẫu thử nghiệm này có chi phí hoạt động thấp, tầm bay xa hơn và khả năng tác chiến tốt hơn đáng kể so với mẫu YF-17, nhất là khi bay với tốc độ siêu thanh. Sau một số cải tiến và chỉnh sửa, tiêm kích được đưa vào biên chế phục vụ Không quân Mỹ với tên gọi chính thức là F-16.
Trong khi đó, mẫu YF-17 được Hải quân Mỹ lựa chọn để làm tiền đề phát triển chiến đấu cơ McDonnell Douglas F/A-18 Hornet.
Video: YF-16 bay thử nghiệm. Nguồn: Lockheed Martin
Thông số kỹ thuật
F-16 dài 15,06m; chiều rộng sải cánh 9,96m; cao 4,9m và kíp lái chỉ gồm một người. Trọng lượng rỗng và tối đa khi cất cánh của F-16 lần lượt là 8.573kg và 19.187kg. Để có thể nạp đầy nhiên liệu cho F-16, các đội bảo dưỡng máy bay sẽ cần bơm tới 3,2 tấn nhiên liệu.
F-16 sử dụng một động cơ General Electric F110-GE-129 có lực đẩy là 76,3 Kilo Newton (kN), nhờ vậy máy bay có thể đạt vận tốc tối đa lên tới Mach 2,05, tương đương 2.178 km/h. Tầm hoạt động của F-16 đạt gần 550km, với trần bay cao nhất là 15km.
Về vũ khí, F-16 được trang bị một pháo 6 nòng M61A1 Vulcan cỡ 20mm với cơ số 511 viên đạn. Thân và cánh máy bay được trang bị 10 giá treo, có thể mang 7,7 tấn vũ khí từ các loại bom cho đến tên lửa không đối không như AIM-7, AIM-9; tên lửa không đối đất như AGM-65, AGM-88 HARM hoặc AGM-158. Để thực hiện các nhiệm vụ trên biển, F-16 sẽ lắp đặt các tên lửa chống hạm như AGM-84 Harpoon hoặc AGM-119 Penguin.
F-16 được trang bị nhiều loại radar như AN/APG-83, AN/APG-68 hoặc AN/ALQ-213. Trong đó, radar AN/APG-83 có tầm hoạt động lên tới 370km.
Lịch sử tác chiến
F-16 từng được Mỹ sử dụng trong chiến dịch Bão cát sa mạc (năm 1991) tại Iraq, các cuộc xung đột ở Afghanistan (năm 2001), Iraq (năm 2003) và Lybia (năm 2011).
Không chỉ phục vụ quân đội Mỹ, F-16 còn trong biên chế trong không quân của hơn 10 quốc gia khác khắp thế giới. Điển hình tại Israel, loại tiêm kích này đã phục vụ trong không quân từ đầu thập niên 1980 tới nay và tham gia nhiều chiến dịch quân sự quan trọng do Tel Aviv phát động.
Tại Ukraine, chính quyền Kiev lần đầu xác nhận F-16 trong biên chế không quân nước này vào tháng 8/2024. Tuy nhiên, ngay cuối tháng đó, Ukraine đã mất một chiếc F-16 “trong lúc ngăn chặn một cuộc tấn công đường không của quân Nga”. Tổn thất này khiến chỉ huy Không quân Ukraine khi đó bị sa thải.
Video: Lockheed Martin