Uy lực MiG-21, tiêm kích góp mặt trong nhiều cuộc xung đột khắp thế giới

Với hơn 11.496 chiếc đã xuất xưởng, MiG-21 là một trong những tiêm kích từng được sản xuất nhiều nhất trên thế giới kể từ cuối thập niên 1950 tới nay.
Quá trình phát triển
Tập đoàn Mykoyan-Gurevich đã cho trình làng những thiết kế đầu tiên của tiêm kích MiG-21 vào đầu thập niên 1950. Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm kỹ sư của tập đoàn này đã hoàn thiện nguyên mẫu E-1 vào năm 1954. Sau khi thực hiện một số bài thử nghiệm, động cơ của E-1 không đáp ứng yêu cầu nên các kỹ sư tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời phiên bản E-2.
Sau nhiều lần sửa đổi, nguyên mẫu có cánh tam giác E-4 chính thức được bay thử nghiệm vào tháng 6/1955 và ra mắt công chúng lần đầu tiên trong năm 1956. Đến năm 1959, tiêm kích MiG-21, thành quả sau nhiều năm nghiên cứu của Mykoyan-Gurevich, được đưa vào biên chế hoạt động của Không quân Liên Xô.
Số liệu kỹ thuật
MiG-21 dài 14,7m; chiều dài sải cánh 7,15m và cao 4,1m. Những phiên bản đầu của mẫu tiêm kích này được trang bị động cơ Tumansky R-11-300, trong khi các phiên bản sau được trang bị Tumansky R-11F-300, Tumansky R-11F2-300 hoặc Tumansky R-25. Động cơ Tumansky R-25 dài 4,61m; nặng khoảng 1.212kg. Với R-25, MiG-21 có thể bay với vận tốc 2.175 km/h ở độ cao 13.000m. Tầm hoạt động đạt 660km.
MiG-21 được trang bị pháo tự động GSh-23L 23mm với 200 viên đạn. Ngoài ra, cánh và thân máy bay được trang bị 5 giá treo vũ khí để lắp đặt các loại bom hoặc tên lửa không đối không tùy theo nhiệm vụ.
Lịch sử tác chiến
Ấn Độ là một trong những quốc gia sở hữu MiG-21 nhiều nhất trên thế giới khi nước này đã ký kết hợp đồng mua tiêm kích của Liên Xô vào năm 1961. Theo thỏa thuận, Moscow đề nghị chuyển giao toàn bộ công nghệ MiG-21 và bản quyền lắp ráp cho New Delhi.
Không quân Ấn Độ đã sử dụng tiêm kích MiG-21 trong các cuộc xung đột với Pakistan vào các năm 1965 và 1971. Sau cuộc xung đột năm 1971, Ấn Độ tuyên bố các tiêm kích này của họ đã bắn rơi 4 chiến đấu cơ F-104, 2 tiêm kích Shenyang F-6C, 1 chiến đấu cơ F-86F Sabre và 1 máy bay vận tải đa năng C-130 của Pakistan.
Ngoài ra, MiG-21 từng góp mặt trong nhiều cuộc chiến khác như những vụ đụng độ Ảrập - Israel vào thập niên 1960-1980; xung đột Ai Cập - Lybia; chiến tranh Iran – Iraq…