Ung thư phổi có di truyền không? - Báo VnExpress

Trả lời:
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư thường gặp nhất trên toàn cầu. Bệnh chia làm hai nhóm chính gồm ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% các trường hợp, gồm ung thư biểu mô không vảy (ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào lớn, các loại khác...) và ung thư biểu mô vảy. Ung thư phổi tế bào nhỏ ít gặp hơn nhưng phát triển rất nhanh. Đa số trường hợp được chẩn đoán khi tế bào ung thư đã lan ra ngoài phổi.
Ung thư phổi có khả năng di truyền. Người thân cấp độ một (cha mẹ, anh chị em ruột, con cái) của bệnh nhân ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao. Trong đó, người có anh chị em ruột mắc ung thư phổi có nguy cơ ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, bạn mắc ung thư phổi không có nghĩa con bạn hay các thành viên trong gia đình sẽ bị bệnh. Bởi nguy cơ không chỉ phụ thuộc vào di truyền mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc ung thư phổi có thể do tiếp xúc chung với các tác nhân nguy cơ như khói thuốc lá, ô nhiễm hóa chất, phóng xạ, bệnh phổi mạn tính (lao, viêm phế quản mạn tính), phơi nhiễm nghề nghiệp với các hóa chất gây ung thư (amiant/asbestos, kim loại nặng...), bức xạ ion hóa (radon, tia X)...
Bạn nên khuyên người thân trong gia đình tầm soát ung thư phổi định kỳ 1-2 năm một lần. Người từ 50 tuổi trở lên, hút thuốc lá hơn 20 gói một năm nên khám sàng lọc, chụp CT phổi liều thấp chỉ trong vài phút, không gây đau có thể phát hiện sớm ung thư phổi. Hệ thống máy chụp sử dụng liều bức xạ thấp để tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Sỹ
Đơn vị Ung Bướu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |