Ứng dụng thi công đường trên cọc và đường sắt đô thị bằng kết cấu panel bản rỗng kết hợp cọc ly tâm dự ứng lực V+

Sáng 5/7, tại số 393 phố Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, Hà Nội), Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình chính thức khởi công đoạn cầu cạn cho dự án đường cao tốc và đường sắt đô thị, đánh dấu bước khởi đầu cho mô hình phát triển hạ tầng kết hợp thương mại đầu tiên tại Việt Nam.
Video công trình trong buổi sáng khởi công |
Kết cấu hạ tầng đa tầng độc đáo
Đoạn đường cao tốc và đường sắt đô thị V+ được thiết kế với độ dài 30m và rộng 17m. Theo đó, bên ngoài là đường ô tô rộng 8,5m, bên trong là đường sắt đô thị trên cầu cạn hai tầng rộng 8,5m nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, vận tải hành khách và logistics trong đô thị hiện đại.
Điểm nhấn của công trình nằm ở kết cấu cầu bản rỗng dự ứng lực trên nền móng cọc ống bê tông cốt thép ly tâm (PRC). Tất cả cấu kiện đều được lắp ghép sẵn, chỉ riêng phần gầm là đổ bê tông tại chỗ giúp vừa rút ngắn tiến độ thi công vừa bảo đảm kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đồng thời hạn chế tác động đến giao thông đô thị trong quá trình xây dựng.
![]() |
Toàn cảnh khu đất trước khi khởi công dự án đường cao tốc và đường sắt đô thị V+ |
Trước khi thi công, Công ty TNHH Thương binh nặng Hoà Bình đã hoàn thành khảo sát và khoan địa chất tại khu vực, sử dụng cọc ma sát và phương pháp ép cọc sâu. Trong sáng 5/7, đoạn cọc sâu 30m đầu tiên đã được ép xuống nhằm bảo đảm sự ổn định, bền vững cho công trình. Dự kiến, đoạn mẫu 30m sẽ được hoàn thiện trong 10 ngày trước khi mở rộng triển khai.
![]() |
Máy móc và công nhân bắt đầu công đoạn ép móng cọc đầu tiên cho công trình |
Không chỉ là công trình hạ tầng giao thông, dự án đường cao tốc và đường sắt đô thị V+ còn đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển hạ tầng thủ đô, gắn kết ba bức tường trung tâm thương mại dọc tuyến, hình thành hành lang phát triển thương mại – dịch vụ – logistics song hành với hạ tầng giao thông. Đây là mô hình phát triển “hạ tầng gắn thương mại” đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, kỳ vọng tạo động lực phát triển đô thị vệ tinh, giảm tải áp lực cho nội đô Hà Nội và vùng phụ cận và tiến xa hơn là góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Khẳng định năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt
Trước đó, Công ty TNHH Thương binh nặng Hoà Bình từng thi công thành công tuyến đường kết nối khu phi thuế quan Xuân Cầu (Lạch Huyện, Hải Phòng) trên nền đất yếu, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, hoàn thành trong 2 tháng với cam kết tuổi thọ 100 năm, đủ tiêu chuẩn tuyến cầu cạn cao tốc.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoà Bình - ký duyệt bản thiết kế khởi công xây dựng đường cầu cạn dành cho đường cao tốc và đường sắt đô thị V+ sáng 5/7. |
Tại buổi làm việc với công ty vào tháng 5/2025, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đánh giá cao công nghệ cầu bản rỗng dự ứng lực trên cọc PRC do doanh nghiệp đề xuất, nhận định giải pháp này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi tại nhiều công trình trên cả nước. Cuối tháng 6/2025, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đề nghị Đảng uỷ Chính phủ xem xét sớm kiến nghị, báo cáo kết quả trước ngày 15/7/2025, khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Việc khởi công dự án đường cao tốc và đường sắt đô thị V+ không chỉ là minh chứng cho năng lực sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp Việt, mà còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng, giảm chi phí logistics. Đặc biệt, mô hình kết hợp đồng bộ đường bộ – đường sắt đô thị – thương mại sẽ tạo cú hích mới trong phát triển hạ tầng gắn liền kinh tế đô thị, đóng góp vào mục tiêu phát triển hạ tầng chiến lược của quốc gia.
Dự án đường cao tốc và đường sắt đô thị V+ được kỳ vọng không chỉ “mở đường” mà còn mở ra một lối đi mới trong phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, sẵn sàng cho các đô thị lớn tại Việt Nam tiến bước vào giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn trong thời gian tới.