Ứng dụng nhắn tin, gọi điện từng rất phổ biến chính thức khai tử

(Dân trí) - Skype là nền tảng gọi điện và nhắn tin trực tuyến từng rất phổ biến, chính thức bị Microsoft ngừng hoạt động vĩnh viễn vào ngày 5/5.
Nền tảng này ra đời tại Estonia vào tháng 8/2003, Skype nhanh chóng trở thành một hiện tượng với tốc độ tăng trưởng người dùng chóng mặt, thu hút hàng trăm triệu người trên toàn cầu chỉ trong vài năm.
Ứng dụng này nổi tiếng với dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí, đơn giản và có thể truy cập mọi nơi và vào thời điểm đó, nó được coi là mang tính cách mạng, định hình cách chúng ta giao tiếp trực tuyến sau này.
Đây cũng đã từng là công cụ thiết yếu giúp mọi người giữ liên lạc với người thân ở xa, giao tiếp khi chơi game, học tập hay thậm chí tìm kiếm tình yêu.
Tuy nhiên, sau khi bị Microsoft mua lại vào năm 2011, Skype dần trở nên lạc hậu và đánh mất vị thế. Một loạt các quyết định quản lý kém hiệu quả, bao gồm việc cố gắng định vị Skype thành một nền tảng chuyên nghiệp trước khi ra mắt Microsoft Teams vào năm 2017, đã gây nhầm lẫn cho người dùng.
Cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các ứng dụng mới như Messenger, WhatsApp, Discord và chính Teams của Microsoft, Skype đã không thể đổi mới và cải thiện trải nghiệm người dùng với giao diện trở nên rườm rà.
Kết quả là người dùng dần rời bỏ Skype để chuyển sang các nền tảng phù hợp hơn: game thủ chọn Discord, doanh nghiệp dùng Teams, còn người dùng cá nhân ưa chuộng các ứng dụng nhắn tin phổ biến và mạng xã hội.
Dù từng có sự tăng trưởng nhẹ về người dùng hoạt động hàng ngày trong giai đoạn Covid-19, sự lạc hậu về công nghệ và trải nghiệm người dùng nhanh chóng khiến Skype không thể giữ chân họ.
Đối với nhiều người, sự biến mất của Skype đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên trong lịch sử giao tiếp trực tuyến.