Tỷ lệ dương tính Covid-19 tại Hồng Kông (Trung Quốc) đạt mức cao nhất trong 1 năm qua, 30 ca tử vong trong 4 tuần

Các cơ quan y tế tại Hồng Kông (Trung Quốc) vừa phát đi cảnh báo khi số ca mắc Covid-19 đang tăng đột biến.
Kết quả dương tính với Covid-19 gần đây đã đạt mức cao nhất trong một năm qua
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), hoạt động của virus hiện ở mức “khá cao”, theo ông Albert Au, người đứng đầu Chi nhánh Bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe thành phố.
Ông cho biết tỷ lệ mẫu xét nghiệm đường hô hấp cho kết quả dương tính với Covid-19 gần đây đã đạt mức cao nhất trong một năm qua, với 30 ca tử vong được ghi nhận trong vòng bốn tuần gần đây. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia y tế, tác động tổng thể của virus hiện đã nhẹ hơn so với các giai đoạn trước.
Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe cho biết, tỷ lệ mẫu xét nghiệm đường hô hấp dương tính với Covid-19 đã tăng lên 13,7%, so với 6,2% vào đầu tháng 4 — tức tăng hơn gấp đôi chỉ trong một tháng, và là mức cao nhất trong vòng một năm.
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy lượng virus trong nước thải, cũng như số ca bệnh tại các phòng khám và bệnh viện công, đều đang có xu hướng gia tăng rõ rệt.
Mặc dù vẫn chưa vượt qua đỉnh dịch của hai năm gần đây, nhưng mức độ virus được phát hiện trong nước thải, số lượng tư vấn y tế và ca nhập viện đều cho thấy dịch bệnh đang lây lan mạnh mẽ tại thành phố hơn 7 triệu dân.
Không chỉ riêng Hồng Kông, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc cũng cho thấy nước này có thể sẽ chứng kiến một đợt dịch đạt đỉnh trong mùa hè, tương tự năm ngoái. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng gấp đôi trong vòng năm tuần tính đến ngày 4/5, dựa trên các ca đến khám tại bệnh viện.
Nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang trong tình trạng đáng báo động
Tình hình dịch bệnh tại Singapore cũng đang được đặt trong tình trạng báo động. Bộ Y tế nước này đã công bố báo cáo cập nhật đầu tiên về số ca nhiễm sau gần một năm.
Tính đến ngày 3/5, số ca mắc Covid-19 ước tính đạt 14.200 ca, tăng tăng 28% so với tuần trước đó, số ca nhập viện mỗi ngày cũng tăng khoảng 30%.
Giới chức y tế Singapore nhận định sự gia tăng này có thể liên quan đến khả năng miễn dịch cộng đồng suy giảm, nhưng chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy các biến thể hiện tại có khả năng lây nhiễm mạnh hơn hoặc gây bệnh nặng hơn so với thời kỳ đại dịch.
Tại Thái Lan, hai đợt bùng phát đã được ghi nhận kể từ đầu năm, đặc biệt sau lễ hội Songkran vào tháng 4 – dịp tập trung đông người. Mặc dù số ca nhiễm vẫn cao, nhưng Bộ Y tế Thái Lan cho biết hầu hết bệnh nhân chỉ gặp triệu chứng nhẹ. Bộ trưởng Y tế Somsak Thepsutin trấn an công chúng rằng Covid-19 hiện được xem là bệnh đặc hữu, không nên quá hoảng sợ. Nhiều biện pháp phòng dịch cũng đã được triển khai tại các trung tâm phát triển mầm non trên toàn Bangkok.
Cảnh báo từ giới chuyên gia
Làn sóng lây nhiễm mới là lời nhắc nhở rằng Covid-19 vẫn đang hiện diện và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Khác với các bệnh hô hấp thường chỉ bùng phát vào mùa lạnh, sự trở lại của Covid-19 trong thời điểm nhiều nước ở bán cầu Bắc đang bước vào mùa hè cho thấy virus này không tuân theo quy luật mùa vụ truyền thống.
Giới chức y tế khu vực tiếp tục kêu gọi người dân tiêm nhắc lại vắc-xin, đặc biệt với nhóm có nguy cơ cao, để tăng cường khả năng miễn dịch trước sự thay đổi liên tục của virus.
Nguồn: SCMP, Bangkok Post