Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra tăng vọt

Năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (so với 16% năm trước). Tỷ lệ này khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên gần 55%.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm nay 6.5.
Báo cáo PCI 2024 ghi nhận một số xu hướng nổi bật về chất lượng quản trị kinh tế cấp tỉnh, trong đó điển hình có thể kể tới xu hướng chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại.
Cụ thể, năm 2024, gần 37% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% năm 2023.
Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (so với 16% năm trước). Tỷ lệ này khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên gần 55% (cao hơn nhiều so với 2023); về thủ tục đất đai là khoảng 50% (so với gần 38% năm 2023).
Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong đấu thầu công ở địa phương tăng từ 27,6% năm 2023 lên 28,6% năm 2024.
Cạnh đó, một xu hướng đáng chú ý khác được đề cập trong báo cáo là tính năng động của chính quyền địa phương có dấu hiệu suy giảm.
Năm 2024, có 77% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm từ con số 86% của năm 2021 - 2022 và 82% của năm 2024.
Tương tự, chỉ 71% doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh, giảm từ con số 80% của năm 2022 và 77% của năm 2023.
Đáng chú ý, năm 2024, có tới 26% doanh nghiệp nhận thấy phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách, văn bản T.Ư là "trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo" và "không làm gì", trong khi năm 2021 chỉ là 19%.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhìn chung kết quả khảo sát PCI năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả PCI 2024 cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là tiếp cận đất đai, chi phí tuân thủ pháp luật và sự suy giảm tính năng động của bộ máy chính quyền địa phương.
"Để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những mục tiêu đầy tham vọng - mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo như chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, việc duy trì và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp địa phương là nhiệm vụ cấp bách và mang tính quyết định", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.