Tuyển sinh ĐH 2025: Lý do khiến thí sinh phân vân khi đăng ký nguyện vọng

Sự kỳ vọng của gia đình và nỗi lo sợ không đủ điểm để đậu, chính là lý do khiến các sĩ tử phân vân giữa chọn ngành yêu thích hay chọn ngành dễ trúng tuyển trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Đến trước 17 giờ ngày 28.7, thí sinh hoàn tất việc đăng ký nguyện vọng ĐH-CĐ trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Thời gian còn lại không nhiều nhưng vẫn còn những trường hợp thí sinh đang băn khoăn giữa việc chọn ngành học.
Chọn ngành học yêu thích hay ngành có khả năng trúng tuyển cao hơn?
Đứng trước ngưỡng cửa ĐH, các thí sinh không tránh khỏi cảm giác áp lực và lo lắng khi phải đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai. Nỗi trăn trở hiện tại của không ít thí sinh là chọn ngành học mình thực sự yêu thích và ngành có khả năng trúng tuyển cao hơn. Quyết định sai lầm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến con đường học tập và sự nghiệp sau này.
Đối mặt với áp lực đến từ chính bản thân và từ sự kỳ vọng của gia đình, Trần Hoàng Tiến, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Văn Trị (Vĩnh Long), đã rất phân vân khi đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm thi. “Em cảm thấy áp lực và phân vân nhiều, nếu chọn ngành em yêu thích, em sợ sẽ không đủ điểm để đậu, còn nếu chọn ngành em không thích, em sợ bản thân sẽ khó thích nghi”, Tiến tâm sự. Nguyện vọng của Tiến là được vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng với số điểm hiện tại của bản thân, nếu Tiến chọn ngành tâm lý học thì sẽ dễ đậu hơn.
Cũng tại trường THPT này, Võ Thị Ngọc Huyền chia sẻ về những áp lực mà em gặp phải khi đăng ký nguyện vọng. “Áp lực lớn nhất là từ gia đình và bản thân em. Gia đình muốn em học ngành quản lý nhà nước cho an toàn, điểm vừa sức, còn em thì muốn theo đuổi niềm đam mê dạy học nhưng sợ phụ lòng ba mẹ”, Huyền bộc bạch. Hiện tại, nữ sinh cho biết bản thân đang phân vân lựa chọn giữa ngành sư phạm lịch sử và ngành quản lý nhà nước.
Cho bản thân cơ hội
Việc các thí sinh lựa chọn đăng ký nguyện vọng đúng và phù hợp cho bản thân là điều vô cùng cần thiết, vì đây sẽ chính là bước ngoặt lớn trong việc phát triển sự nghiệp của bản thân sau này. Chính vì điều này, Hoàng Tiến đã lắng nghe những lời khuyên từ gia đình, cũng như xem nhiều video tư vấn từ các trường ĐH để đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân trước khi đăng ký. Tuy có phân vân, nhưng Tiến vẫn muốn cho mình cơ hội được chọn ngành bản thân yêu thích. “Dù lo sợ sẽ không đủ điểm để đậu vào ngành em mong muốn, em vẫn sẽ đặt những ngành yêu thích lên hàng đầu, vì tiêu chí đầu tiên của em là sự yêu thích với ngành”, Tiến cho biết.
Tuy có áp lực với sự kỳ vọng của gia đình, nhưng Ngọc Huyền cũng muốn mạo hiểm để lựa chọn ngành mà em yêu thích. Huyền chia sẻ, em đã yêu thích bộ môn lịch sử và đam mê với việc dạy học từ nhỏ, dù biết điểm chuẩn của ngành này cao và cơ hội để đậu vào ngành thấp, nhưng em vẫn sẽ đăng ký vì muốn cho bản thân cơ hội để theo đuổi ước mơ. Trước khi đưa ra quyết định này, Huyền đã tham khảo ý kiến từ các nhiều nguồn đáng tin cậy, cũng như lắng nghe lời khuyên từ những thầy cô đi trước, điều này đã khiến nữ sinh có thêm can đảm để theo đuổi đam mê của mình.
Đừng quên tính thực tế
Thời gian đăng ký nguyện vọng kéo dài trong 2 tuần tạo điều kiện để các thí sinh có thêm thời gian suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai. Việc lựa chọn ngành học, trường học không chỉ dựa trên sở thích mà còn cần tính đến năng lực bản thân và cơ hội nghề nghiệp sau này, để tránh những tiếc nuối không đáng có khi đã chốt nguyện vọng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Giao, giảng viên khoa Truyền thông sáng tạo tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng: “Khi đăng ký nguyện vọng, học sinh nên ưu tiên đam mê, nhưng bên cạnh đó, các em cũng cần cân nhắc tính thực tế. Nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp. Đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng cao và cũng nên có những nguyện vọng 'an toàn' dự phòng”.
Bên cạnh đó, cô Huỳnh Giao cũng chia sẻ thêm về những yếu tố giúp học sinh có thể đưa ra lựa chọn ngành học tốt nhất cho bản thân. Theo cô, yếu tố quan trọng nhất khi chọn ngành học là sự phù hợp, đó là sự giao thoa giữa đam mê, năng lực và triển vọng nghề nghiệp.
Theo chuyên gia này, thí sinh cần xác định mình thích gì, giỏi gì và ngành học có cơ hội việc làm tốt không, việc đưa ra ngành học sau khi cân nhắc cả 3 yếu tố này sẽ giúp các thí sinh đưa ra lựa chọn sáng suốt, tránh chạy theo xu hướng hoặc áp lực gia đình khi lựa chọn ngành học trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ.