Nhảy đến nội dung
 

Tuyển sinh ĐH 2025: Chọn học cơ sở chính hay phân hiệu?

Ngoài cơ sở chính, hiện nay nhiều trường ĐH có xu hướng mở rộng phân hiệu tại các địa phương khác. Vậy khi đăng ký xét tuyển vào các trường này, thí sinh nên chọn học cơ sở chính hay phân hiệu?

MỞ RỘNG PHÂN HIỆU TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở ĐH liên tục mở rộng phân hiệu (PH) trên cơ sở sáp nhập các trường CĐ địa phương. Chẳng hạn, năm 2019 ĐH Kinh tế TP.HCM mở PH tại Vĩnh Long trên cơ sở Trường CĐ Kinh tế-Tài chính Vĩnh Long. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có PH tại tỉnh Gia Lai trên cơ sở tiếp nhận Trường CĐ Sư phạm Gia Lai và PH tại Long An (nay thuộc tỉnh Tây Ninh) trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Long An. Năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chính thức tuyển sinh cho PH tại Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) trên cơ sở Trường CĐ Bình Phước. Trường ĐH Cần Thơ cũng thành lập PH tại Sóc Trăng trên cơ sở tiếp nhận cơ sở vật chất của Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH có ít nhất 2 PH ngoài cơ sở chính như: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có 2 PH đặt ở tỉnh Gia Lai và Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có 2 PH ở Quảng Ngãi và Thanh Hóa, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có PH ở Khánh Hòa và Lâm Đồng; ĐH Kinh tế TP.HCM có 2 PH tại Vĩnh Long và Khánh Hòa, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có 2 PH tại Gia Lai và Long An (tỉnh Tây Ninh)…

Đáng chú ý, có những địa phương trở thành điểm đến PH của nhiều trường ĐH như Khánh Hòa. Hiện tỉnh này có PH của nhiều cơ sở đào tạo ĐH như: ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM.

Không chỉ các trường ĐH tại TP.HCM, nhiều cơ sở đào tạo có trụ sở chính tại Hà Nội cũng có xu hướng xây dựng thêm cơ sở đào tạo tại các địa phương khác. Ví dụ ĐH Kinh tế Quốc dân và Học viện Ngân hàng mở PH tại Hà Nam (nay là Ninh Bình); ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến xây dựng cơ sở 2 tại Hưng Yên… Trong đó, một số trường có kế hoạch xây dựng cơ sở mới tại Bắc Ninh như: Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Y Hà Nội…

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA PHÂN HIỆU VÀ CƠ SỞ CHÍNH

Trước xu hướng này, vấn đề nhiều người học quan tâm là sự khác biệt khi học tập ở PH so với cơ sở chính của trường.

Các trường có những định hướng khác nhau khi phát triển PH nhưng về cơ bản những ngành được đào tạo giữa PH và cơ sở chính sẽ không có sự khác biệt chương trình học và bằng cấp. Sự khác biệt, nếu có, thể hiện qua số lượng ngành nghề đào tạo, mức học phí, điểm chuẩn trúng tuyển…

Trong đó PH thường không có đầy đủ các ngành đào tạo như cơ sở chính. Ví dụ, năm 2025 ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh 59 chương trình đào tạo gồm các lĩnh vực: quản lý, kinh doanh, kinh tế, ngôn ngữ, công nghệ và thiết kế ứng dụng, còn PH Vĩnh Long chỉ tuyển sinh 15 chương trình, trong đó 9 chương trình tuyển sinh phạm vi cả nước và 6 chương trình chỉ tuyển khu vực ĐBSCL. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển sinh 45 ngành tại trụ sở chính, trong khi chỉ tuyển 8 ngành tại PH Long An (tỉnh Tây Ninh) và 4 ngành tại PH tỉnh Gia Lai. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 74 ngành thuộc các chương trình đào tạo khác nhau tại cơ sở chính và chỉ 11 ngành tại PH Bình Phước (tỉnh Đồng Nai). Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng tuyển sinh 43 ngành chương trình tiêu chuẩn, 21 ngành chương trình tiên tiến, 11 ngành chương trình ĐH bằng tiếng Anh, trong đó 13 ngành chương trình học tại PH tỉnh Khánh Hòa...

Học phí cũng là khác biệt rõ rệt khi so sánh PH với cơ sở chính của nhiều trường. Ví dụ, ĐH Kinh tế TP.HCM thu học phí cơ sở chính chương trình tiếng Việt từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/tín chỉ, học phí chương trình tiếng Anh bằng khoảng 1,4 lần tiếng Việt... Trong khi đó, học phí PH Vĩnh Long bằng 60% học phí tại TP.HCM. Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng công bố học phí dự kiến khóa tuyển sinh 2025 khác nhau tùy chương trình và cơ sở đào tạo. Cụ thể, chương trình tiêu chuẩn học phí trung bình năm học 2025-2026 dao động từ 29,7- 34,8 triệu đồng/năm (riêng ngành dược học dự kiến thu gần 66,8 triệu đồng/năm); chương trình tiên tiến học phí trung bình từ 53-64 triệu đồng/năm; chương trình ĐH bằng tiếng Anh dự kiến 78-84 triệu đồng/năm. Trong khi đó, chương trình học tại PH tỉnh Khánh Hòa học phí trung bình dự kiến 20,5 - 24 triệu đồng/năm tùy nhóm ngành…

Ngoài ra, điểm khác biệt quan trọng là điểm trúng tuyển. Về cơ bản hình thức tuyển sinh giống nhau nhưng điểm chuẩn trúng tuyển các ngành tại PH thường "mềm" hơn cơ sở chính. Ví dụ năm 2024 điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT các ngành ĐH Kinh tế TP.HCM tại PH tỉnh Vĩnh Long dao động từ 17-22 điểm, trong khi tại cơ chính từ 23,8 - 27,2 điểm. Tương tự, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lấy điểm chuẩn từ 15-25 điểm các ngành cơ sở chính, trong khi các ngành tại PH tỉnh Gia Lai chỉ ở mức 15-16 điểm; PH Ninh Thuận (tỉnh Khánh Hòa) 15 - 21,25 điểm theo tổ hợp 3 môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024…


LỜI KHUYÊN CHO THÍ SINH

Với những điểm giống và khác biệt vừa nêu, đại diện các trường ĐH đưa ra lời khuyên với các nhóm thí sinh khác nhau trong lựa chọn địa điểm học tập.

Tiến sĩ Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc xét tuyển vào các ngành đào tạo tại PH có những lợi thế nhất định trong cạnh tranh đầu vào do điểm chuẩn các ngành tại PH thường thấp hơn cơ sở chính từ 1-1,5 điểm. Bên cạnh đó, việc học tập tại PH cũng phù hợp với người muốn học gần nhà, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, nếu mong muốn được làm việc tại địa phương thì học tại PH càng phù hợp hơn. Ví dụ, PH tại Long An của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, các ngành đào tạo giáo viên được địa phương đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Do đó, các sinh viên của địa phương khi học tập tại phân hiệu, hưởng chính sách Nghị định 116 của địa phương, sẽ có cơ hội học tập và việc làm khi ra trường tốt hơn.

Tuy nhiên, tiến sĩ Phong cũng lưu ý, hạn chế của PH nằm ở số lượng ngành nghề đào tạo. Do đó, khi học tập tại PH sẽ bị hạn chế hơn về cơ hội lựa chọn ngành học, chương trình học so với cơ sở chính. "Những thí sinh có nguyện vọng học tại PH cần lưu ý mã xét tuyển khi đặt nguyện vọng, cùng 1 ngành nhưng cơ sở chính và PH có mã khác nhau. Ví dụ cùng ngành giáo dục mầm non trình độ ĐH nhưng mã xét tuyển cơ sở chính là 7140201, PH Long An là 7140201_LA và PH Gia Lai là 7140201_GL", ông Phong lưu ý thêm.

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng tùy theo nhu cầu, nguyện vọng cá nhân khác nhau của người học sẽ phù hợp với PH hay cơ sở chính. Nếu muốn học tập gần nhà, tiết kiệm tài chính, ra trường có định hướng làm việc gần nhà, đầu vào cạnh tranh thấp hơn… thí sinh các địa phương gần với PH có thể chọn học tại PH. Nhưng theo PGS Hùng, dù ban đầu trường cho phép người học lựa chọn địa điểm học tập tại TP.HCM hay Vĩnh Long, nhưng năm cuối tất cả sinh viên PH Vĩnh Long đều phải luân chuyển học tập tại TP.HCM. Điều này nhằm giúp người học thích nghi đa dạng môi trường học tập, tiếp cận thị trường việc làm nơi thành phố lớn. Ngược lại, sinh viên cơ sở TP.HCM cũng có thể về PH học tập nếu muốn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn