Tuyển lại cán bộ giỏi bị loại khỏi hệ thống do thiếu biên chế, ai kém phải thay luôn

"Lãnh đạo tất nhiên sẽ biết nhân viên mình làm như thế nào. Vấn đề là họ có đủ dũng khí và bản lĩnh để loại bỏ những người kém, thay thế bằng người mới hay không" - đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh nhận định.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 này đưa ra nhiều quy định mới để cơ quan quản lý công chức được phép tuyển dụng người tài năng từ khu vực ngoài công lập.
Người tài năng có thể ở ngay trong hệ thống
Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) nhận định có thể có 2 trường hợp. Một là tuyển người tài năng từ bên ngoài hệ thống. Với trường hợp này, vấn đề đặt ra là những ai sẽ thuộc đối tượng này, tiêu chí là gì… Trường hợp thứ hai là những người tài năng đang làm việc bên trong hệ thống.
“Khi công chức được đánh giá có khả năng làm việc vượt trội, làm được việc khó, khối lượng công việc lớn, đạt kết quả xuất sắc… thì phải cho họ một cơ chế, chính sách đặc biệt” - ông Hoàng Anh bày tỏ.
Tuy nhiên, ông cho rằng trong giai đoạn 5-10 năm tới (sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp), số lượng cán bộ, công chức dôi dư bên trong hệ thống sẽ rất nhiều. Như vậy, việc tuyển người tài bên ngoài vào sẽ khó thực hiện nếu không có chỉ tiêu rõ ràng.
“Trong dự thảo luật cũng nêu tới đây sẽ đánh giá công chức theo kết quả đầu ra và vị trí việc làm. Tôi nhất trí cần làm theo hướng đó để những nhân tố xuất sắc nổi trội lên, chúng ta phát hiện ra và có chính sách riêng cho họ. Khi chế độ đãi ngộ đủ tốt thì công chức sẽ phấn đấu. Còn nếu làm tốt mà không có cơ chế đặc biệt cho họ thụ hưởng thì người ta cũng chẳng cần, chẳng muốn” - đại biểu tỉnh Gia Lai phân tích.
Ngoài ra, theo ông, cần có quy định mỗi năm được tuyển một tỷ lệ nhất định người tài năng thay thế cho một bộ phận những người đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ việc… mà không phụ thuộc vào lượng công chức tinh giản.
Phải loại người kém mới có chỗ cho người tài năng
Đại biểu Lê Hoàng Anh nhận định, điều quan trọng là tỉnh, thành phố phải được trao quyền. Khi được trao quyền thì địa phương có thể quyết định việc sa thải người làm việc kém để tuyển người mới.
Trong số những người mới, sẽ có cả người mới hoàn toàn và người có năng lực, trình độ tốt đã bị loại ra khỏi hệ thống vì không có biên chế. Ai tốt hơn thì được chọn. Người đã bị loại có thể được tuyển dụng trở lại.
“Phải loại được người kém ra khỏi hệ thống thì mới có chỗ cho người mới, người tài năng. Ai kém sẽ bị thay luôn sau khi đã đánh giá công khai, minh bạch” - ông Hoàng Anh đề xuất.
“Lãnh đạo tất nhiên sẽ biết nhân viên mình làm việc như thế nào. Vấn đề là họ có đủ dũng khí và bản lĩnh để loại bỏ những người kém, thay thế bằng người mới hay không. Đó không phải là việc khó nhưng cơ chế đang ràng buộc, chưa cho họ cái quyền ấy. Nếu họ không được trao quyền thì rất khó làm”.
Về việc được phép ký hợp đồng lao động có thời hạn với các chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm như dự thảo quy định, vị đại biểu tỉnh Gia Lai cho rằng cơ chế hợp đồng đó nên để linh hoạt.
“Với những người mong muốn được cống hiến cả đời trong hệ thống công, vẫn nên dành một số lượng chỉ tiêu nào đó để đưa họ vào. Nhưng với những người không có nhu cầu đó mà chỉ muốn đóng góp, cống hiến cho một vài nhiệm vụ thì ký hợp đồng lao động có thời hạn”.
Theo ông Hoàng Anh, việc dành bao nhiêu chỉ tiêu cho mỗi đối tượng nên để cho người đứng đầu địa phương quyết định tùy tình hình thực tế, Trung ương không cần can thiệp.
"Trung ương chỉ cần giao một con số tổng chung, còn dành bao nhiêu phần trăm cho người tài năng, cho chuyên gia là do người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm" - ông Hoàng Anh nêu ý kiến.