Nhảy đến nội dung
 

Tương lai 'siêu đô thị' Hải Phòng

Theo mô hình chính quyền hai cấp vừa triển khai, Hải Phòng mới gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã/phường, bỏ cấp huyện - lần đầu được áp dụng tại miền Bắc. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại Thủy Nguyên, quy mô 13,6 ha, tổng vốn đầu tư 2.831 tỷ đồng, được xem là biểu tượng của giai đoạn phát triển đô thị mới.

Cực tăng trưởng mới của miền Bắc

Trước sáp nhập, Hải Phòng đóng vai trò trung tâm công nghiệp - logistics - cảng biển, trong khi Hải Dương là địa phương vệ tinh, cung ứng hàng hóa và lao động cho vùng duyên hải Bắc Bộ. Năm 2024, GRDP của hai địa phương lần lượt đứng thứ 5 và 11 cả nước. Sau hợp nhất, GRDP mới ước đạt 658.000 tỷ đồng, vươn lên thứ 3 cả nước, sau hai siêu đô thị Hà Nội, TP HCM.

Cơ cấu kinh tế hai bên khá tương đồng, với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều trên 74%. Tổng cộng hai địa phương có hơn 35 khu công nghiệp và dự án đầu tư hạ tầng, quy mô khoảng 10.000 ha, trong đó phần lớn đã đi vào hoạt động hoặc đã được bàn giao cho chủ đầu tư.

Tổng vốn FDI sau sáp nhập đạt gần 45 tỷ USD, với hơn 1.850 dự án đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, tương đương một số nền kinh tế công nghiệp mới trong khu vực. Đây là nền tảng quan trọng để Hải Phòng mới gia tăng sức cạnh tranh trong thu hút dòng vốn toàn cầu.

Cơ cấu kinh tế của thành phố mới được kỳ vọng sẽ đa dạng và cân đối hơn. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và logistics tiếp tục giữ vai trò chủ lực. Việc hợp nhất sẽ điều chỉnh tỷ trọng phù hợp với quá trình đô thị hóa, phát triển dịch vụ cao cấp và chuyển dịch lao động giữa các vùng. Lực lượng lao động từ Hải Dương sẽ bổ sung trực tiếp cho chuỗi sản xuất - vận tải - dịch vụ tại Hải Phòng.

Hạ tầng giao thông - lợi thế chiến lược của siêu đô thị

Hải Phòng sở hữu bộ tứ hạ tầng giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, kết nối đồng bộ giữa các khu công nghiệp, khu đô thị và cảng cửa ngõ quốc tế.

Trong đó, đường bộ phát triển mạnh mẽ với các tuyến cao tốc, quốc lộ và vành đai xuyên suốt thành phố: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, 10, 17 và hệ thống đường vành đai khu vực, kết nối trực tiếp trung tâm với các vùng công nghiệp như Thủy Nguyên, Kinh Môn, Chí Linh và cụm cảng biển. Các dự án hạ tầng lớn đang triển khai ở cả khu Đông Bắc và Đông Nam thành phố như: tuyến nối quốc lộ 17B - tỉnh lộ 352, cầu Dinh mới, vành đai 2 - Tân Vũ, cao tốc ven biển Hải Phòng - Ninh Bình được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phục vụ cho định hướng xây dựng khu thương mại tự do và chuỗi logistics khép kín.

Về đường sắt, tuyến tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang quy hoạch, sẽ mở hành lang logistics xuyên Á hiếm có, cho phép hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện kết nối trực tiếp tới Trung Quốc. Đây là lợi thế mà ngay cả Hà Nội hay TP HCM hiện chưa có. Ngoài ra, hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt vành đai và đường sắt đô thị đang từng bước hoàn thiện, tăng năng lực vận tải và rút ngắn thời gian di chuyển.

Về đường hàng không, Hải Phòng hiện có sân bay quốc tế Cát Bi, dự kiến đến năm 2030 đạt công suất 13 triệu lượt khách mỗi năm. Dự án sân bay quốc tế Tiên Lãng với quy mô hơn 1.100 ha cũng vừa được Chính phủ đưa vào quy hoạch. Đây sẽ là sân bay quốc tế thứ hai của Hải Phòng, hứa hẹn trở thành cú hích hạ tầng tiếp theo, nâng tầm Hải Phòng thành trung tâm giao thương hàng không - hàng hải chiến lược của miền Bắc.

Đặc biệt, Hải Phòng sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc, bao gồm cụm cảng Lạch Huyện, Đình Vũ, Tân Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Đồ Sơn... với tổng số khoảng 70-74 bến cảng. Trong đó, cụm cảng nước sâu Lạch Huyện có khả năng đón tàu trên 130.000 DWT, kết nối trực tiếp tuyến vận tải quốc tế.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng 4 bến cảng container tại khu bến Lạch Huyện, tổng vốn gần 24.850 tỷ đồng. Dự án thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, hướng đến xây dựng hệ thống cảng hiện đại, có thể đón tàu container từ 12.000 đến 18.000 TEU.

Hiện hơn 80% hàng hóa xuất khẩu của Hải Dương đi qua cảng Hải Phòng. Thành phố đặt mục tiêu, đến 2030, toàn hệ thống cảng có thể thông qua hơn 215 triệu tấn hàng một năm.

Trước đây, Hải Phòng và Hải Dương vận hành hạ tầng theo hướng riêng lẻ, thiếu sự phối hợp trong quy hoạch và khai thác. Việc sáp nhập không chỉ mở rộng không gian phát triển, mà còn tạo điều kiện xây dựng chiến lược hạ tầng liên vùng đồng bộ, tối ưu nguồn lực đầu tư công và hình thành hành lang logistics khép kín - kết nối chuỗi sản xuất, lưu trữ, vận chuyển đến xuất khẩu.

Đặc biệt, việc tích hợp cả cảng biển nước sâu và sân bay quốc tế trong cùng một đơn vị hành chính được xem là lợi thế hiếm có, tạo "cú hích" cho phát triển logistics và xuất nhập khẩu. Đây cũng là yếu tố quan trọng đưa Hải Phòng mới trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng sức hút với các tập đoàn sản xuất và đầu tư quốc tế.

Thành phố cảng đầu tiên có khu thương mại tự do

Hải Phòng là địa phương đầu tiên được Quốc hội cho phép thí điểm Khu thương mại tự do (FTZ) - mô hình thể chế mới với chính sách ưu đãi vượt trội, nhằm thu hút đầu tư chiến lược và hình thành vùng kinh tế mở quy mô lớn.

Theo Nghị quyết 35 vừa được thông qua, khu thương mại tự do sẽ nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía Nam, với diện tích đề xuất khoảng 6.470 ha. Trung tâm của FTZ là khu vực cửa ngõ Đông Nam thành phố - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố hạ tầng chiến lược gồm cụm cảng nước sâu Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi, tuyến cao tốc ven biển và các khu công nghiệp lớn như Deep C, Nam Đình Vũ, VSIP. Đây không chỉ là điểm kết nối cuối của chuỗi logistics xuyên vùng, mà còn là điểm xuất phát trực tiếp ra thị trường quốc tế qua cả đường biển, hàng không và đường sắt.

Với vị trí độc nhất tại miền Bắc, đồng thời sở hữu cảng biển, sân bay và mạng lưới giao thông liên vùng, khu vực cửa ngõ Đông Nam được ví như "trái tim" của toàn bộ cấu trúc FTZ. Thành phố kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành trung tâm logistics, sản xuất và thương mại tự do hàng đầu khu vực, đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy vùng công nghiệp - dịch vụ - xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học và tài chính quốc tế.

Nhằm thu hút đầu tư, khu thương mại tự do áp dụng loạt chính sách ưu đãi vượt trội. Doanh nghiệp tại FTZ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn toàn bộ tiền thuê đất - mặt nước (trừ bất động sản thương mại). Chuyên gia nước ngoài được miễn thị thực, cấp thẻ tạm trú 10 năm, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một thập kỷ. Thủ tục đầu tư, hải quan, hành chính đều được rút gọn.

Việc thí điểm FTZ không chỉ mở ra không gian chính sách mới, mà còn định vị lại vai trò của Hải Phòng trên bản đồ kinh tế khu vực - từ một đô thị công nghiệp - cảng biển trở thành trung tâm thương mại tự do hiện đại, kết nối sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cú hích cho thị trường bất động sản

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sau khi hợp nhất và quy hoạch khu thương mại tự do được cụ thể hóa, Hải Phòng sẽ trở thành cực tăng trưởng kinh tế mạnh của miền Bắc, thu hút giới trí thức thành đạt, cộng đồng thương nhân trong nước và quốc tế đến sinh sống và làm việc. Bất động sản tại đây sẽ sôi động hơn, đặc biệt ở các phân khúc đô thị tích hợp, nhà ở cao cấp và bất động sản công nghiệp - logistics.

Ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho biết, việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp tác động tích cực đến thị trường bất động sản, giúp tăng tốc độ ra quyết định trong cấp phép dự án, thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch. Điều này cũng tạo ra không gian phát triển liên tục, xóa bỏ "ranh giới hành chính" - nhất là tại các vùng giáp ranh Thủy Nguyên - Kinh Môn, mở đường cho việc quy hoạch các khu công nghiệp - đô thị - logistics tích hợp quy mô vùng.

Theo ông, định hướng quy hoạch bất động sản của Hải Phòng mới sẽ chuyển trọng tâm từ mô hình "trung tâm đơn lẻ" sang "hệ sinh thái đô thị vùng". Điều này đồng nghĩa với việc quy hoạch bất động sản sẽ gắn với trục phát triển công nghiệp, logistics, nhà ở liên kết thay vì chia tách theo địa giới.

"Hải Phòng đang bước vào giai đoạn đầu của một chu kỳ tăng giá mới kéo dài 5-7 năm", ông Văn nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cũng kỳ vọng dòng vốn bất động sản vào Hải Phòng sẽ tăng trưởng 15-20% mỗi năm khi đảm bảo ba điều kiện: quy hoạch rõ ràng, pháp lý minh bạch và hạ tầng đi trước. Ông cho biết, nhà đầu tư phía Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương cũ...) đang dần chuyển dịch dòng vốn sang Hải Phòng để đón đầu mặt bằng giá thấp và hạ tầng kết nối thuận lợi. FDI từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU đang quan tâm đến mô hình khu công nghiệp, nhà ở công nhân, dịch vụ hậu cần quy mô lớn. Các quỹ đầu tư nội địa cũng bắt đầu mua gom đất sạch tại các khu vực định hướng mở rộng đô thị để phát triển tổ hợp bất động sản tích hợp, bất động sản xanh.

Trên thực tế, một số dự án bất động sản quy mô lớn đã bắt đầu được triển khai tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương, nhằm đón đầu xu hướng này. Nổi bật có thể kể đến dự án Vinhomes Golden City do Vinhomes phát triển tại phường Dương Kinh và huyện Kiến Thụy, liền kề cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hay Vinhomes Royal Island nằm trọn trên đảo Vũ Yên - tiếp giáp với Quảng Ninh và Hải Dương cũ. Hai dự án này thu hút sự chú ý nhờ vị trí chiến lược trên bản đồ phát triển công nghiệp - thương mại dịch vụ của siêu đô thị Hải Phòng trong kỷ nguyên mới, kết nối với các khu công nghiệp trọng điểm như Nam Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP, cảng nước sâu Lạch Huyện hay các địa phương có quy mô kinh tế lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Hải Phòng mới - với không gian mở rộng, hạ tầng hiện đại và chính sách ưu tiên đang nổi lên như một cực tăng trưởng chiến lược của miền Bắc. Sự hợp nhất không chỉ là phép cộng địa giới, mà là phép nhân của cơ hội, đưa thành phố cảng tiến gần hơn đến vai trò siêu đô thị kết nối chuỗi giá trị sản xuất, logistics và thương mại toàn vùng.

Minh Ngọc - Song Anh

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn