Nhảy đến nội dung

Tùng Dương có đang dễ dãi không?

Trong MV mới, Tùng Dương không góp ý gì với nhạc sĩ cộng tác cùng mình. Anh nói ‘không phải dễ dãi đâu, mà tôi thực sự muốn hòa nhập vào lăng kính, thế giới quan của các bạn trẻ’.

Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ với Tuổi Trẻ Online nhân MV Đừng buồn phiền nữa (kết hợp cùng nhạc sĩ Nguyễn Thương, tác giả hit Khát vọng là người Việt) phát hành tối 7-5.

Đừng buồn phiền nữa là một ca khúc có giai điệu trẻ trung, sôi động, hiện đại, bắt tai, dễ nghe, truyền đến một năng lượng tích cực, tinh thần chữa lành, kêu gọi các bạn trẻ dám dũng cảm để vượt qua những thử thách, chông gai trong cuộc sống.

So với các sản phẩm có ca từ nhiều ý nghĩa lớp lang trước đây của Tùng Dương, ca từ trong bài này diễn tả cảm xúc trực tiếp, có những câu hơi hướng cổ động:

"Ðừng buồn phiền nữa/ Mọi chuyện sẽ qua thôi/ Khờ dại ngày xưa đem gói ghém cất hết vào mưa/ Ðừng buồn phiền nữa/ Gạt bỏ hết đi em/ Bận lòng làm chi mưa rơi mãi cũng sẽ ngừng thôi".

Hay: "Ðừng ngốc như vậy/ Ngốc như vậy chẳng làm mọi thứ tốt lên được đâu/ Ðừng mềm yếu như vậy/ Nào đứng ngay dậy/ Thoát ra khỏi vùng lầy tăm tối đau thương này thôi"…

Tùng Dương: "Tôi không dễ dãi đâu"

Tùng Dương kể anh cùng các "Anh trai say hi" từng hát Khát vọng là người Việt của Nguyễn Thương. Khi nhạc sĩ trẻ ngỏ lời mời anh hát Đừng buồn phiền nữa, anh nhận lời ngay.

Tùng Dương cho rằng khán giả trẻ ngày nay thường thích những gì đơn giản, dễ hiểu, giai điệu catchy dễ nghe... Lúc nào cũng lớp lang ý nghĩa, khó có thể đến được với các bạn.

"Nhiều bạn trẻ nói với tôi rằng ngày xưa chú hát nhạc nặng nề và nhiều triết lý quá, cháu không nghe được. 

Giờ chú hát những bài như Tái sinh, Một vòng việt Nam rất dung dị, dễ cảm nhận, dễ thuộc, dễ nghe và dễ hát được nhạc của chú", Tùng Dương bắt đầu nghĩ ngợi và có những thay đổi trong tư duy.

Với tinh thần lắng nghe và cũng muốn mở rộng tệp khán giả của mình, anh nghĩ dù âm nhạc phức tạp hay dung dị, thậm chí hơi hướng cổ động, nó vẫn có ý nghĩa, giá trị với đời sống chung cũng như đời sống âm nhạc nói riêng.

Ngay trong gia đình Tùng Dương là một mái nhà ba thế hệ khác nhau. "Nếu không cởi mở, lắng nghe người trẻ, chắc chắn mình cũng dừng lại, trở thành người bảo thủ, ôm khư khư cái tôi của mình", anh chia sẻ thêm.

Khi nhận bài từ Nguyễn Thương, Tùng Dương thấy ca từ dễ thương, có sự sâu sắc nhưng có đôi chỗ trẻ con, thậm chí ngô nghê.

"Nhưng nếu tự ý sửa, thay những ca từ già dặn của mình vào thì bài hát không còn thể hiện tiếng nói của lớp trẻ nữa", Tùng Dương nói với Tuổi Trẻ Online.

Đó là lý do với ca khúc này, nghệ sĩ không góp ý gì cả, để đúng ngôn từ của các bạn trẻ viết cho nhau, để các bạn tìm sự đồng cảm nhanh nhất. Tùng Dương cho đó cũng là một điều thú vị.

Ca sĩ nói "không phải Tùng Dương dễ dãi đâu, mà để nhập cuộc với những người trẻ, những người lớn hơn cũng phải hiểu tâm lý của họ".

Sau world music, pop, jazz, Tùng Dương muốn đào sâu RnB

So với những sản phẩm âm nhạc trước đây, Đừng buồn phiền nữa khai thác chất RnB trong giọng hát Tùng Dương rất rõ.

Nghệ sĩ chia sẻ RnB là một thanh âm của người trẻ. 

Anh đã hát nhiều dòng nhạc, thể loại, phong cách nhưng đến bài này có lẽ đã đi sâu hơn vào tâm lý và thanh âm của người trẻ thông qua một bản beat rất trẻ trung do nhóm Darrys và Justasuy làm. Nhóm này rất mạnh về nhạc RnB và nhạc điện tử.

"Tại sao lại không nhỉ", Tùng Dương tự hỏi. Thể loại này cho thấy khả năng luyến láy, chạy nốt, chạy quãng rất rõ. Những kỹ năng này cũng là thế mạnh của Tùng Dương khi hát jazz và giờ mở rộng thêm RnB.

Thần tượng một số diva trên thế giới, đặc biệt như Whitney Houston, Tùng Dương nói anh đã học tập rất nhiều từ phần "chạy nốt" của họ.

Năm ngoái Tùng Dương từng hát cùng Soobin một ca khúc có màu sắc RnB là Giá như. Ca sĩ này cũng mạnh về RnB, nên Tùng Dương đã "chơi" cùng Soobin và nhận được nhiều sự yêu mến cũng như ủng hộ của các khán giả trẻ.