Nhảy đến nội dung

Tục bế cô dâu để tránh điều xui trong đám cưới La Mã thời cổ đại

Cuốn sách cung cấp nhiều ví dụ về tài năng của Caesar như một chính trị gia sắc sảo, chiến lược gia dân tuý, thiên tài quân sự, người lính dũng cảm, nhà lãnh đạo bẩm sinh những cũng là một kẻ thù tàn nhẫn và một người phân biệt đối xử.

Vì cha của Caesar lúc nào cũng vắng nhà, nên Aurelia là người có ảnh hưởng đầu tiên trong cuộc đời con trai mình. Chính mẹ cậu là người giám sát quá trình nuôi dưỡng và giáo dục của Caesar, đồng thời thực hiện các trách nhiệm quản lý chuyện gia đình, giám sát nô lệ và giải quyết những vụ cãi vã ầm ĩ với hàng xóm.

Cuộc sống đối với phụ nữ tại Roma không hề bị hạn chế như các phụ nữ Hy Lạp cổ. Tại thành phố Athens ở thời của Plato, phụ nữ phải sống tách biệt phía sau nhà và hiếm khi được rời khỏi đó, nhưng ở thành Rome thì không như vậy. Các bà vợ La Mã tràn ra khắp các phố phường, bận rộn đi mua sắm và thăm viếng bạn bè. Họ thường đi xem nhạc kịch và các trò chơi công cộng, thậm chí đến thăm cả các tòa án nếu muốn.

Phụ nữ nghèo lao động quần quật như chồng mình tại các cửa hàng và trên các trang trại, nhưng phụ nữ khá giả cũng hiếm khi được nuông chiều. Họ là những người được giáo dục bài bản, chuyên giải quyết các chuyện phức tạp trong nhà và ăn nói đầy tự tin, thoải mái với chồng. Người Hy Lạp có thể có tiệc rượu đêm nơi mà chỉ có cánh đàn ông được ăn tối và chuyện trò, thế nhưng đây lại là điều xa lạ trong văn hóa La Mã mà trong đó, phụ nữ có thể thoải mái ngồi lẫn với đàn ông.

Caesar anh 1

Tranh mô tả một đám cưới ở Rome thời cổ đại. Ảnh: Medium.

Thông thường, phụ nữ kết hôn khi hết tuổi vị thành niên với đàn ông lớn tuổi hơn mình. Nghi lễ đơn giản nhưng đầy niềm vui. Chú rể đến nhà cô dâu, nắm lấy bàn tay phải của cô dâu và nói những lời thề nguyền ngắn gọn. Một con lợn được hiến tế, sau đó các vị khách hét lên, Feliciter! (“Chúc may mắn!”), cuối cùng là tiệc tùng. Hôn lễ kết thúc khi người chồng bế cô dâu mới qua ngưỡng cửa ngôi nhà mới của họ nhằm tránh điềm xui nếu vấp ngã.

Vào cuối thời Cộng hòa, có vẻ như vài người đàn ông rất ngần ngại cái công đoạn mang vác này. Năm 131 trước Công Nguyên, giám quan Metellus Macedonius đã đọc một bài diễn văn trước Viện Nguyên lão bày tỏ thái độ của nhiều chú rể tương lai:

Hỡi những người anh em La Mã, nếu chúng ta có thể làm mọi thứ mà không cần cưới vợ, thì tất cả chúng ta hẳn sẽ thoát được cả một núi phiền toái. Tuy nhiên, tự nhiên đã định rằng dù có hay không có phụ nữ bên cạnh, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ chẳng dễ dàng gì, thế nên chúng ta phải biết đặt trọng tâm vào nhu cầu tương lai thay vì theo đuổi mãi thứ hạnh phúc nhất thời.

Nhưng bởi mục tiêu chính của hôn nhân là sinh con đẻ cái và nối dõi dòng giống của gia đình, nên hầu hết đàn ông La Mã cuối cùng cũng phải đi chọn một cô vợ. Chúng ta có đủ mọi lý do để thực sự nghĩ rằng phần đa các cuộc hôn nhân La Mã đều thấm đẫm tình yêu. Khắc trên bia mộ của những người vợ ở các nghĩa trang La Mã, mặc dù chắc chắn đã được dựng theo khuôn mẫu ở mức độ nào đó, thường là những lời đầy cảm động của những người chồng, thể hiện nỗi mất mát và đau buồn. Dẫu vậy, vẫn thường xuyên xảy ra các vụ ly hôn và tái hôn vì các lý do tài chính hoặc chính trị giữa các tầng lớp thượng lưu La Mã, tất nhiên là không phải bố mẹ Caesar bởi họ vẫn là vợ chồng cho đến tận khi cha ông qua đời.