Nhảy đến nội dung

Từ vụ sinh viên vô lễ với cựu chiến binh: Bài học cho cả... người lớn!

(Dân trí) - Không chỉ với người trong cuộc, không chỉ trong bối cảnh công cộng, sự việc một số sinh viên có hành vi vô lễ với cựu chiến binh còn là vấn đề của giáo dục.

Trẻ ít được dạy về sự kiên nhẫn?

"Sự việc lần này là một lời cảnh tỉnh nghiêm túc về ý thức ứng xử nơi công cộng" là chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) trước sự việc sinh viên có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với các cựu chiến binh trong lúc chờ xem diễu binh dịp 30/4 vừa qua.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, bất cứ ai, không chỉ sinh viên, chỉ phút chốc nóng giận, mất kiểm soát đều có thể phải đánh đổi cả hình ảnh cá nhân và gây tổn thương đến cộng đồng. Nhất là ở thời đại mà mọi hành vi, lời nói đều có thể bị ghi lại và lan truyền trong vài giây…

Bài học với các em sinh viên có hành vi ứng xử không phù hợp trong sự việc trên đã quá rõ. Nhưng đây là bài học không chỉ dành riêng cho sinh viên mà còn là "lời cảnh tỉnh" cho giáo dục gia đình và cả nhà trường.

Không chỉ sự việc sinh viên có hành vi vô lễ với các bác cựu chiến binh mà nhiều trường hợp trong đời sống cho thấy đang có lỗ hổng trong cách giao tiếp, ứng xử giữa người và người, cách kiểm soát cảm xúc bản thân và kỹ năng ứng xử khi va chạm quyền lợi…

Từ việc xếp hàng chờ đến lượt, từ việc nhường chỗ trên xe buýt cho đến cách ứng xử khi tham gia giao thông… Trên thực tế, không thiếu các vụ ẩu đả, thậm chí giết người bắt nguồn từ lời ăn tiếng nói, ánh mắt nhìn đểu hay từ va chạm giao thông.

Trong một buổi giao lưu về chủ đề bạo lực học đường mới đây, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Tomato Education chia sẻ, khi con còn nhỏ, bà sợ để con chơi ở các sân chơi, các khu vui chơi.

Bà Phương quan sát thấy tại sân chơi công cộng, nhiều trẻ rất dễ dàng có những hành động bạo lực, tổn thương đến bạn khi đòi hỏi quyền lợi cho mình. Đó có thể là hình ảnh ở cầu trượt đứa trẻ phía sau xô đứa trẻ phía trước, giật đồ chơi…

Nhà giáo dục này đặt ra vấn đề rằng, phải chăng chúng ta ít dạy trẻ về sự kiên nhẫn, chờ đợi hay biết chia sẻ, trao đổi khi nhu cầu của mình chưa được đáp ứng. 

Khi chưa được trang bị phổ cập thói quen, ý thức này, các sinh hoạt trong cộng đồng dễ dẫn đến bùng nổ khi có mâu thuẫn, vấn đề phát sinh. Mỗi người thường ít kiềm chế mà nhanh chóng tìm đến cách hành xử không phù hợp hoặc bạo lực.

Kỹ năng lắng nghe nhu cầu của nhau, xác định mình mong đợi điều gì, người khác mong đợi điều gì... để tìm cách hóa giải mâu thuẫn cần được trang bị, học tập với mỗi người.

Người trẻ biết sửa sai, người lớn học cách đồng hành

Bà Nguyễn Hải Trường An, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM nêu quan điểm, sự việc lần này là cơ hội để tất cả các bên từ nhà trường, sinh viên, gia đình đến xã hội cùng nhìn lại vai trò và trách nhiệm của mình một cách tỉnh táo, công tâm và mang tính xây dựng.

Đối với nhà trường, theo bà An việc xử lý sinh viên cần dựa trên quy định rõ ràng, khách quan và đặc biệt phải mang tính giáo dục, chứ không nên chỉ nhằm xoa dịu dư luận.

Bà An gợi mở thay vì áp dụng các hình thức kỷ luật nặng nề, nhà trường có thể cân nhắc những giải pháp tích cực hơn như tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động công tác xã hội. Cụ thể, có thể tổ chức các hoạt động chăm sóc cựu chiến binh, thăm hỏi người già neo đơn, trung tâm trẻ mồ côi... để từ trải nghiệm thực tế đó, các em tự rút ra bài học sâu sắc cho mình.

Với sinh viên, đây là cơ hội để học thêm một bài học thực tế về lễ nghĩa, về việc kiểm soát cảm xúc nơi công cộng và cách tôn trọng người khác trong môi trường đa chiều.

Quan trọng hơn, các bạn cũng cần hiểu rằng khi mình sai thì phải dũng cảm nhận lỗi, sửa sai bằng hành động cụ thể. Đồng thời cũng xứng đáng được bảo vệ khỏi những phán xét, quy chụp không công bằng.

Với gia đình, theo bà An chính là yếu tố cốt lõi. Những bài học về lòng biết ơn, lễ nghĩa và cách cư xử văn minh nơi công cộng cần được hình thành từ nhỏ, từ chính cách sống, cách ứng xử của người lớn trong gia đình.

Và cả dư luận, truyền thông, cộng đồng mạng cần phân biệt giữa phê bình hành vi cụ thể và quy chụp toàn bộ nhân cách hay hình ảnh của cả một tập thể. Bên cạnh những sự việc tiêu cực cũng cần lan tỏa những hành động đẹp, những góc nhìn tích cực trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Hải Trường An chia sẻ, nếu mỗi bên đều nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của mình thì sự việc lần này không chỉ dừng lại ở một lỗi cá nhân mà trở thành một bước trưởng thành tập thể - nơi người trẻ biết sửa sai và người lớn học cách đồng hành.