Nhảy đến nội dung
 

Từ vụ án hoa hậu Thùy Tiên: Thế nào là "lừa đảo" và "lừa dối"?

(Dân trí) - Theo luật sư, trong khi lừa đảo là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản nói chung thì lừa dối nhằm vào những người là người tiêu dùng và được thể hiện ở các hành vi cụ thể khác nhau.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Thùy Tiên, 27 tuổi, ở TPHCM) đang bị Bộ Công an tạm giam về tội Lừa dối khách hàng, liên quan tới vụ án Sản xuất hàng giả là thực phẩm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt và Công ty cổ phần Asia Life. 

Theo công an, Tiên là cổ đông Công ty Chị Em Rọt, trực tiếp tham gia điều hành việc phân phối, buôn bán sản phẩm kẹo rau củ Kera. Dù không rõ về nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm và biết về việc sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng nhưng vẫn lợi dụng danh tiếng của bản thân để quảng cáo, tạo lòng tin khiến nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm này. 

Từ vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về việc vì sao cùng là hành vi lừa dối, song Thùy Tiên không bị xử lý về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thay vì hành vi Lừa dối khách hàng? 

Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và Lừa dối khách hàng (Điều 198) trong Bộ luật Hình sự 2015 bản chất đều là việc sử dụng những thủ đoạn gian dối nhằm trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, xét về các yếu tố cấu thành, hai hành vi này có những sự khác biệt như sau: 

Về chủ thể, chủ thể của hành vi lừa đảo là bất kỳ ai đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Còn với hành vi lừa dối khách hàng, chủ thể ngoài việc đủ tuổi, đủ năng lực trách nhiệm hình sự còn phải đáp ứng điều kiện là người tham gia vào quá trình mua bán và cung cấp dịch vụ thì mới có thể bị xử lý về hành vi này. 

Về khách thể, hành vi lừa đảo xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản của cá nhân nói chung, còn hành vi lừa dối xâm phạm tới các quyền về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và xâm phạm tới trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là quan hệ đứng đắn trong lưu thông hàng hóa trong xã hội. 

Xét về hậu quả, hành vi lừa đảo gây thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu tài sản nói chung, còn hành vi lừa dối gây thiệt hại cho những người là khách hàng của người thực hiện hành vi vi phạm, dẫn tới việc mất đi một phần số lượng hàng hóa hoặc thiệt hại kinh tế do mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, hành vi lừa dối còn có thể dẫn tới những thiệt hại gián tiếp như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự cá nhân, tổ chức; tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

Về khách quan, hành vi lừa đảo được thể hiện chung ở các hành vi khách quan là gian dối với chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản. Còn hành vi lừa dối được thể hiện ở một trong các hành vi như cân, đong, đo, đếm thiếu; tính gian hàng hóa, dịch vụ; tính tăng khối lượng công việc, dịch vụ, vật liệu, nhiên liệu nhằm lấy số tiền cao hơn thực tế hoặc bán hàng chất lượng thấp với giá sản phẩm chất lượng cao. 

Về chủ quan, cả 2 hành vi đều được thực hiện với lỗi cố ý nhằm vụ lợi. Tuy nhiên, với hành vi lừa dối, hành vi này được thực hiện với một nhóm đối tượng nhất định là khách hàng của người thực hiện hành vi vi phạm nhằm mục đích vụ lợi nói chung. 

Như vậy, từ những cơ sở pháp lý, có thể hiểu hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức nói chung. Việc xử lý hình sự được áp dụng khi giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. 

Còn với tội Lừa dối khách hàng, hành vi được thực hiện bởi những người trực tiếp tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa và được thể hiện qua các hành động cụ thể như cân, đong, đo, đếm thiếu; tính gian hàng hóa, dịch vụ; tính tăng khối lượng công việc, dịch vụ, vật liệu, nhiên liệu nhằm lấy số tiền cao hơn thực tế hoặc bán hàng chất lượng thấp với giá sản phẩm chất lượng cao... nhằm lừa dối những người là khách hàng của mình, tạo niềm tin để họ mua hàng nhằm vụ lợi. 

Việc xử lý hình sự đối với tội Lừa dối khách hàng áp dụng khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính, bị kết án về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên. 

"Trên thực tế, có nhiều hành vi vi phạm trong các phạm vi cụ thể như bảo hiểm, ngân hàng, xây dựng, kinh doanh thương mại, phòng cháy chữa cháy, giao thông... cũng bao gồm yếu tố gian dối. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể quy kết về hành vi lừa đảo. Trong trường hợp có quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể, cần áp dụng theo hướng dẫn cụ thể của pháp luật chuyên ngành", luật sư bình luận. 

Đối với vụ án nêu trên, luật sư đánh giá về bản chất, Thùy Tiên là người điều hành mua bán, phân phối sản phẩm kiêm quảng cáo, do đó việc xử lý hoa hậu này về hành vi lừa dối khách hàng là hoàn toàn phù hợp. Còn nếu Tiên chỉ dừng lại ở việc hợp tác quảng cáo sản phẩm như những thông tin ban đầu thì không có cơ sở để xử lý về hành vi lừa dối mà chỉ có thể xem xét trách nhiệm về hành vi quảng cáo gian dối. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn