Từ vụ gần 600 loại sữa giả ra thị trường: Doanh nghiệp rút hồ sơ, 'dấu vết' biến mất

Theo thông tin từ Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, khoảng 10% trong số gần 600 loại sữa giả đã công bố tiêu chuẩn chất lượng tại đơn vị này, còn lại là công bố ở Hòa Bình và một số tỉnh khác.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chỉ trong tháng 3-2025, riêng tại tỉnh Hòa Bình - nơi có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn - đã có hơn 100 hồ sơ sản phẩm tự công bố gửi về Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình, trong đó chủ yếu là thực phẩm bổ sung.
"Chi nhánh" Hòa Bình
Hầu hết các sản phẩm tự công bố tại đây có "chi nhánh Hòa Bình". Thậm chí chỉ trong vài ngày, có những công ty đăng ký hàng chục loại thực phẩm bổ sung, từ sản phẩm sữa đến các sản phẩm bổ sung sức khỏe khác.
Đây cũng là "chiêu trò" của đường dây buôn bán sữa giả vừa bị cơ quan chức năng triệt phá. Những công ty này thành lập nhiều công ty con khác và đăng ký "chi nhánh" tại các tỉnh lân cận để tự công bố sản phẩm.
Theo danh sách hồ sơ tự công bố của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình, trong tháng 3-2025, không ít sản phẩm tự công bố rút hồ sơ, tuy nhiên sau khi rút hồ sơ tự công bố thì các sản phẩm này vẫn được bán trên thị trường. Điều này sẽ càng thêm khó khăn cho cơ quan quản lý trong công tác kiểm soát, hậu kiểm.
Trên website của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình, trong ngày 17-3, hồ sơ đăng ký tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung Misure cùng nhiều sản phẩm khác của chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng đồng loạt xin rút hồ sơ khỏi hệ thống.
Tuy nhiên, đến ngày 28-3, các sản phẩm vẫn được chào mời rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Đến nay, một số cửa hàng phân phối vẫn bán sản phẩm. Tại website chính thức của công ty để lại dòng chữ "đã ngừng đưa sản phẩm ra thị trường vì xuất hiện hàng giả".
Xóa video quảng cáo
Mới đây hãng sữa Hiup từng làm mưa làm gió với những quảng cáo "nổ tung trời" về việc "cứ uống là cao, bất chấp bố mẹ thấp lùn" cũng xóa bỏ nhiều video quảng cáo.
Trước đây, chỉ cần gõ tìm kiếm "sữa hiup", hàng loạt video với sự xuất hiện của Vân Hugo, BTV Quang Minh... Hiện nay, những video này trên các nền tảng đã không còn xuất hiện. Tối 15-4, trên trang cá nhân BTV Quang Minh cũng đã đăng tải nội dung bày tỏ xin lỗi khán giả và khẳng định sẵn sàng đón nhận các biện pháp xử lý nếu sai phạm vì "mình gây ra bất cứ điều gì thì phải gánh chịu hậu quả đó".
Hiện nay một số website rao bán sản phẩm Sure IQ Pedia Plus do Công ty cổ phần dược quốc tế Group phân phối đã bị tháo gỡ toàn bộ. Một số sàn thương mại điện tử lớn đã từng rao bán loại sữa này, nhận được hàng nghìn lượt đánh giá của khách hàng cũng đã "biến mất".