Từ TP.HCM ra Hà Nội học, nam sinh tốt nghiệp thủ khoa đại học

![]() |
Vũ Nguyễn Quang Duy trong lễ tốt nghiệp chiều 19/7. Ảnh: Ngọc Bích. |
“Vốn dĩ, thủ khoa tốt nghiệp không phải mục tiêu chính của mình. Từ năm nhất, mình đã đặt ra những mục tiêu cao hơn, như tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu và thành tích để chuẩn bị cho việc học thạc sĩ. Trong quá trình theo đuổi những mục tiêu đó, điểm số của mình tự động tăng cao và vô tình trở thành thủ khoa”, Vũ Nguyễn Quang Duy (23 tuổi, sinh viên Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Chiều 19/7, trong lễ tốt nghiệp đại học, Quang Duy tự tin bước lên bục nhận bằng cử nhân cùng bằng khen sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Với GPA 3.73/4, Duy cũng là sinh viên có số điểm cao nhất trong đợt tốt nghiệp này.
Vượt hơn 1.700 km ra Hà Nội học tập
Quang Duy lớn lên ở TP.HCM (Bình Dương cũ). Cậu bắt đầu học tiếng Nhật từ năm cấp hai, bắt nguồn từ sở thích cá nhân.
Lên cấp 3, Duy học trường THPT chuyên Hùng Vương của tỉnh. Lúc này, nam sinh chọn chuyên Hóa vì trường không có chuyên Tiếng Nhật. Dù vậy, Duy vẫn duy trì việc học tiếng Nhật trong suốt 3 năm, ấp ủ dự định du học bậc đại học ở Nhật Bản. Từ năm lớp 10, nam sinh đã đạt chứng chỉ JLPT N2 (N1 cao nhất).
Song, năm 2020, do dịch Covid-19 cùng một số lý do cá nhân, không thể du học, Duy vô tình biết đến Đại học Việt Nhật (VJU) - một trường đại học được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
“Lúc đó, mình nghĩ rằng nếu không thể qua Nhật thì chắc chắn phải là Đại học Việt Nhật. Mình xem đây là môi trường đào tạo ‘tiệm cận’ với các trường đại học ở Nhật Bản”, nam sinh cho hay bố mẹ cũng rất ủng hộ quyết định này dù phải đi học xa nhà.
Nghĩ là làm, nam sinh bắt đầu tìm hiểu về trường, đăng ký nguyện vọng và nộp hồ sơ. Thời điểm đó, các thầy cô ở Phòng Đào tạo VJU ấn tượng với Duy là một nam sinh rất chủ động trong việc liên hệ với trường và hoàn thành hồ sơ hoàn toàn từ xa. Tháng 8/2020, Duy vượt hơn 1.700 km, từ Bình Dương (cũ) ra Hà Nội học tập.
Những ngày đầu ở thủ đô, Duy không hề cảm thấy lo lắng về việc đến một môi trường và thành phố mới. Ngược lại, nam sinh còn cảm thấy thích thú và hào hứng, coi đây là cơ hội để khám phá những điều mới mẻ. Cậu gặp được những người tốt bụng và bạn bè xung quanh rất hòa đồng, giúp quá trình hòa nhập diễn ra nhanh chóng và không gặp nhiều trở ngại.
Ở bậc đại học, Duy thừa nhận cách học của mình “không giống ai”. Cậu dành nhiều thời gian để tự nghiền ngẫm, tìm hiểu và tra cứu kiến thức khi cần, thay vì phụ thuộc vào sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên. Nếu đã hiểu sơ bộ nội dung, Duy có thể bỏ qua bước nghe giảng trên lớp.
Bên cạnh đó, từng học chuyên Hóa, Duy nhìn nhận việc học tốt các môn tự nhiên giúp nam sinh có tư duy logic, biết cách sắp xếp cấu trúc thông tin gãy gọn và dễ nhớ kiến thức hơn khi học các ngành khoa học xã hội.
Nhờ phương pháp tự học hiệu quả, Duy tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Nam sinh tận dụng tối đa thời gian còn lại để tham gia các hoạt động nghiên cứu và ngoại khóa. Ngoài ra, cậu còn có một năm đi trao đổi tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản.
![]() |
Quang Duy từ Bình Dương (cũ) ra Hà Nội học đại học. Trong ảnh, nam sinh chụp cùng mẹ và em trai ở lễ tốt nghiệp. Ảnh: Ngọc Bích. |
Có ba công bố quốc tế, là đồng tác giả một cuốn sách
Chia sẻ thêm với Tri Thức - Znews về hành trình nghiên cứu, Duy cho hay ban đầu, cậu hình dung tương lai sau khi tốt nghiệp chỉ đơn giản là đi xin việc và làm văn phòng, dựa trên kỹ năng tiếng Nhật và chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên, nam sinh cảm thấy hình dung này “không đủ thỏa mãn”. Qua quá trình học đại học, được tiếp xúc với các thầy cô, Duy dần nhận ra một con đường khác, đó là theo đuổi học thuật, hàn lâm, tương lai làm công việc nghiên cứu và giảng dạy.
“Mình nhận ra công việc này mang lại sự thỏa mãn hơn, cho phép mình tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và truyền đạt kiến thức cho người khác”, Duy nói.
Với phương châm "nếu không có cơ hội, mình sẽ tự tạo cơ hội", Duy chủ động tìm kiếm các cơ hội nghiên cứu khoa học ngay từ năm nhất. Thời điểm đó, nam sinh tình cờ tìm thấy một dự án nghiên cứu đang tuyển cộng tác viên, làm những công việc như dịch bài rồi đăng lên trang web.
Duy làm thực tập không lương trong hơn một năm, chỉ với mong muốn có cơ hội hợp tác và tiếp cận nghiên cứu.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Phạm Hùng Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục và chính sách tại Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi Duy làm cộng tác viên, nhận xét các sản phẩm của Duy rất tốt và chuyển nam sinh lên vị trí thực tập có lương vào học kỳ hai năm hai.
Sau đó, Duy được đưa vào các chương trình đào tạo về phương pháp nghiên cứu và tham gia vào những dự án nghiên cứu sâu hơn. TS Hiệp đánh giá trong một năm trở lại đây, khả năng của Duy tương đương nghiên cứu viên của viện thay vì sinh viên thực tập.
Tất cả những dự án Duy làm với TS Hiệp đều là dự án nghiên cứu thật, không phải những nghiên cứu nhỏ hay đơn giản được thiết kế riêng cho sinh viên. Ngay cả khi đi trao đổi ở Nhật Bản một năm, Duy vẫn tiếp tục làm việc từ xa với nhóm nghiên cứu.
“Duy có khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin và tạo ra kết quả. Tư duy, kiến thức và kỹ năng của Duy đã vượt xa so với bạn bè cùng trang lứa và không khác gì một nghiên cứu sinh”, TS Hiệp đánh giá.
Đến thời điểm hiện tại, Duy là đồng tác giả của 3 công bố quốc tế đăng trên các tạp chí Q2 và Q3, tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, với chuyên ngành là khoa học giáo dục và chính sách.
Duy nhìn nhận khó khăn lớn nhất của mình là nghiên cứu trái ngành. Nam sinh học Nhật Bản học nhưng lại nghiên cứu về giáo dục. Điều này khiến nam sinh phải tốn nhiều thời gian hơn để thu thập kiến thức chuyên ngành và hiểu bản chất của chủ đề. Tuy nhiên, Duy cho rằng Đại học Việt Nhật đề cao tinh thần khai phóng, nên việc tìm hiểu thêm các chuyên ngành khác được hoan nghênh.
Nam sinh dự định liên kết ngành Nhật Bản học với lĩnh vực nghiên cứu giáo dục của mình bằng cách tiếp tục học cao học ở Nhật Bản hoặc các quốc gia khác.
“Mình coi Nhật Bản học như một nền tảng, sau đó sẽ tập trung vào các hướng như phát triển chính sách hoặc công nghệ giáo dục”, Duy nói.
![]() |
Quang Duy (thứ 3 từ phải sang) thực hiện một số nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của TS Phạm Hùng Hiệp (áo cam). Ảnh: NVCC. |
Ngoài nghiên cứu, Quang Duy cũng là đồng tác giả cuốn sách Giáo dục và Khoa học mở, xuất bản vào tháng 2/2024.
Dự án này kéo dài hơn một năm, Duy đóng góp khoảng 30%. Nội dung nam sinh đảm nhận tập trung vào các vấn đề liên quan đến khoa học mở, như định nghĩa và các trường phái của khoa học mở, quy định và kiến thức về giấy phép, bản quyền trong khoa học mở, thực hành về xuất bản mở (ví dụ như đồng duyệt)…
Lần đầu tiên tham gia viết sách, Duy nói “phải học hỏi, nghiền ngẫm rất nhiều”. Sau dự án, nam sinh có thêm kiến thức chuyên môn từ chính nội dung cuốn sách. Duy biết thêm về một phong trào đang rất nổi bật trong giới xuất bản khoa học, cần được quan tâm nhiều hơn.
“Mình cảm thấy vui vì đã đóng góp vào xu hướng chung của đất nước, đặc biệt khi chính phủ Việt Nam cũng đang ban hành các quy định về tài liệu học và nguồn học liệu mở”, Duy nói.
Trong vòng 10 năm tới, TS Phạm Hiệp hy vọng Duy có thể trở thành gương mặt nổi bật trong khoa học giáo dục Việt Nam.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.