Tù mù thu chi ở các chung cư

Chuyện mập mờ thu - chi ở các chung cư phổ biến lâu nay, nhưng chỉ đến khi Chi cục Thuế H.Bình Chánh (TP.HCM) ban hành quyết định xử phạt Ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á số tiền gần 120 tỉ đồng, nhiều người mới 'ngã ngửa'.
Đầu tiên là số tiền xử phạt rất cao, lên tới gần 120 tỉ đồng. Xung quanh con số này cũng có nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng mức phạt hành chính cao hơn cả chế tài xử lý hình sự là chưa hợp lý. Ngược lại, nhiều người ủng hộ vì chỉ có phạt thật nặng mới hạn chế được tình trạng mập mờ thu - chi, trốn thuế ở các chung cư hiện nay. Chuyện đúng - sai, hợp lý hay không sẽ có pháp luật giải quyết, nhưng sự việc này đang gây rúng động các chung cư tại TP.HCM nói riêng và trên cả nước nói chung; tất cả phải "soi" lại vấn đề minh bạch thu chi tại chính chung cư mình.
Ngoài ra, còn có câu hỏi xung quanh chuyện Ban quản trị không phải là doanh nghiệp, tại sao lại phải kê khai nộp thuế? Đây cũng là vấn đề gây hoang mang, tranh cãi hiện nay. Có một thực tế là nhiều ban quản trị vẫn coi thu - chi là chuyện "trong nhà". Ngay cả một bộ phận cư dân khi đóng phí quản lý, tiền giữ xe, tiền gas, tiền nước... cũng không mấy quan tâm đến việc Ban quản trị có xuất hóa đơn hay không. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay quy định rất rõ, dù Ban quản trị không phải doanh nghiệp nhưng có phát sinh hoạt động cung ứng dịch vụ thì phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Cụ thể, nếu Ban quản trị chung cư chỉ thu hộ, chi hộ giúp cư dân thì không phải kê khai, tính thuế GTGT, lập hóa đơn GTGT. Còn nếu Ban quản trị có cung cấp các dịch vụ như dịch vụ quản lý, vận hành chung cư; các hoạt động thu phí quản lý, thu quảng cáo, cho thuê địa điểm kích sóng di động, cho thuê địa điểm đặt tủ bán nước tự động, trông giữ xe... thì phải nộp thuế TNDN, thuế GTGT. Các quy định này căn cứ trên Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18.6.2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26.12.2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật Thuế TNDN. Nói ngắn gọn thì dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế TNDN. Tuy nhiên, thử hỏi có bao nhiêu Ban quản trị tại các chung cư hiện nay kê khai đóng thuế đầy đủ? Có bao nhiêu cư dân ý thức được chuyện đóng tiền phải yêu cầu xuất hóa đơn?
Cũng phải nhắc lại, hồi tháng 3 vừa rồi, Chi cục Thuế khu vực II (Cục Thuế TP.HCM trước đây) đã có thông báo hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động quản lý, vận hành chung cư, chưa kể nhiều văn bản ban hành trước đó. Năm 2020, Cục Thuế Hà Nội (nay là Chi cục Thuế khu vực I) cũng có công văn trả lời rất cụ thể vướng mắc chính sách thuế liên quan đến hoạt động của Ban quản trị chung cư. Thế nhưng đến lúc này, việc Ban quản trị phải kê khai nộp thuế vẫn "mới toanh" với nhiều người.
Đáng nói, trong khi chúng ta "hồn nhiên" thu - chi thì số tiền mà Ban quản trị ở các chung cư quản lý là rất lớn. Chỉ tính riêng quỹ bảo trì (2%/tổng giá trị căn hộ) đã từ vài tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng/chung cư. Đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến xung đột giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân ở nhiều chung cư suốt bao năm qua. Tương tự, phí quản lý, phí dịch vụ hằng tháng, nhất là tại các chung cư cao cấp, không hề nhỏ. Quan trọng hơn, số tiền này được thu từ hàng trăm, hàng ngàn hộ; đã là tiền của người dân thì việc công khai, minh bạch là hết sức cần thiết để bảo đảm sự vận hành bền vững, thông suốt của chung cư. Thế nhưng như nói trên, chuyện thu - chi ở các cao ốc căn hộ hiện nay lại rất tù mù...
Tóm lại thì xu hướng chung cư là tất yếu nên việc quản lý tài chính, thu chi cần phải được quy định hợp lý, khoa học để tránh trường hợp xử phạt rồi mà cả người thu lẫn người chi đều bất ngờ như trường hợp nói trên.