Tự hào vùng Đất anh hùng

TP - Vùng đất Nâm Nung đầy “thương tích” trong chiến tranh nay đã được phủ xanh bởi những vườn cây tươi tốt. Tự hào là vùng căn cứ cách mạng, đồng bào các dân tộc đang từng bước nâng cao cuộc sống của mình.
Viên ngọc thô
Xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, Đắk Nông) nằm nép mình dưới chân dãy núi Nâm Nung cao nhất vùng cực Nam Tây Nguyên. Những vườn rẫy cà phê xanh ngút ngàn, nép sau là những ngôi nhà xây hiện đại san sát nhau.
![]() |
Đồng bào các dân tộc ở xã còn giữ nhiều nghi lễ truyền thống |
Nắng tháng 4 vàng như rót mật, bên vườn cà phê, già Y Xuyên cặm cụi vặt chồi. Già Y Xuyên là già làng, người có uy tín bon Ja Ráh, 1 trong 5 lão thành cách mạng, nhân chứng sống của lịch sử Nâm Nung.
Già chia sẻ, trước kia, nơi đây là vùng rừng núi hoang vu, dân ở thưa thớt, đường đất, đi lại khó khăn. Sau 50 năm ngày giải phóng, trên những vùng đất của những hố bom nay đã được phủ màu xanh của những vườn cây công nghiệp.
Xưa, người dân chỉ biết trồng lúa rẫy, mì, bắp, khoảng gần hai mươi năm trở lại đây bà con chú trọng chuyển đổi cây trồng, đa dạng sinh kế. Đời sống người dân ngày càng khấm khá. Hệ thống đường, trường, trạm, mạng lưới điện phủ hầu hết các thôn, bon (buôn).
Xã Nâm Nung có 6 thôn, bon với hơn 1.900 hộ dân, đồng bào DTTS chiếm gần 60%, trong đó dân tộc M’nông hơn 40%. Xã có 2 nghệ nhân ưu tú và gần 100 nghệ nhân cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát. Các đội cồng chiêng của đồng bào M’nông tại các bon thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của huyện, tỉnh.
Theo già Y Xuyên, chính quyền và nhân dân đã đóng góp nhiều công sức, xương máu trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày tháng kháng chiến, khó khăn chồng chất. Người dân chỉ biết vào rừng đào củ năng, củ mài, lấy măng le ăn cho qua bữa, chặt cây lồ ô mang về đốt lấy tro hòa vào nước, dùng nấu ăn thay muối.
Để tránh bị địch phát hiện, người dân vào sâu trong rừng làm nhà và liên tục thay đổi chỗ ở. Ban ngày trốn vào rừng, ban đêm ra nương rẫy sản xuất. Gian khổ là thế, nhưng đồng bào M’nông nơi đây đoàn kết, đồng lòng theo Bác Hồ, theo cách mạng, làm cách mạng đến cùng.
Khi đến đây, chúng tôi được bật mí nơi vùng đất anh hùng này, có thác Leng Ôm Ra'Veh (theo tiếng M’nông là thác con voi) nằm giữa cánh rừng nguyên sinh vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Nó như viên ngọc thô ẩn mình giữa núi rừng.
Cách xã Nâm Nung chừng 10km, dòng thác hiện ra dưới những tán cây rừng xum xuê. Nhìn từ xa Thác Leng Ôm Ra'Veh tựa như một con voi nằm phun nước giữa rừng cây xanh mát. Dòng nước trong chảy qua những phiến đá ít bước chân người, ngân lên khúc ca róc rách nơi núi rừng thơ mộng.
Xung quanh thác có câu chuyện truyền thuyết kỳ bí gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây.
Đổi thay từng ngày
Trong căn nhà cuối bon, hương thơm nồng của rượu cần thoảng qua, bà H’Thương - Phó chủ tịch UBND xã Nâm Nung tiếp chuyện, cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống như: Rượu cần, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát... Xã Nâm Nung là nơi sinh sống của 14 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người dân tộc M’nông.
![]() |
Thác Leng Ôm Ra'Veh |
Từ năm 2022, nhiều hộ dân tại các bon Ja Răh, Yôk Ju và R'cập (xã Nâm Nung) đã cùng nhau thành lập Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung. Tổ du lịch này có 42 hộ dân tham gia, trong đó có 38 hộ là người M’nông và 4 hộ người Thái. Tổ được chia thành 4 nhóm phụ trách các lĩnh vực khác nhau: Nhóm homestay phụ trách hoạt động lưu trú, nhóm trải nghiệm thiên nhiên, nhóm ẩm thực và nhóm văn hóa.
Bên hông ngôi nhà xây khang trang, người phụ nữ M’nông miệt mài dệt thổ cẩm, đôi tay thoăn thoắt thực hiện thuần thục từng thao tác. Hơn 10 năm nay, tranh thủ chiều tối, bà H’Djrêt (SN 1961, bon R'cập, xã Nâm Nung) lại miệt mài bên khung cửi.
Ngoài thời gian đi làm rẫy, bà tranh thủ dệt thổ cẩm. Gia đình bà có 1ha trồng cà phê, bây giờ tăng giá nên có của ăn của để. Bà H’Djrêt chia sẻ, trước đây, khi mẹ truyền nghề dệt bà không học. Thời gian gần đây, nhận thấy nghề truyền thống dần mai một, bà đi đến nhà các nghệ nhân trong bon quan sát, học cách họ dệt. “Bây giờ tôi dệt áo váy, chăn,... và nhiều đồ dùng khác. Khách du lịch đến đây rất chuộng sản phẩm, dệt đến đâu bán hết đến đó”, bà H’Djrêt nói.
Biết ủ rượu cần từ năm 15 tuổi, chị H’Nuil (SN 1997, trú tại bon Yôk Ju) kể, trước đây, ủ rượu cần để phục vụ trong gia đình. Ba năm trở lại đây, khách du lịch đặt hàng khá nhiều nên chị dành thời gian ủ rượu phục vụ du khách. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, chị bán được khoảng 25-30 ché rượu, với giá từ 350.000 - 500.000 đồng/ché. Gia đình có thêm nguồn thu nhập. Với người M’nông, rượu cần là lễ vật dâng cúng trong các nghi lễ, như là cách con người gửi lời tri ân đến thần linh. Đây cũng là cách mà chị gìn giữ, giới thiệu nghề truyền thống của dân tộc mình.
![]() |
Bà H’Djrêt giữ nghề dệt thổ cẩm |
Đứng giữa tia nắng vàng ấm áp trong không gian cây cối xanh rì, bà H’Thương chia sẻ, trong dòng chảy bộn bề của cuộc sống mưu sinh, nhiều người phố thị có xu hướng tìm về chốn yên bình. Nơi đây phù hợp cho những ai yêu thích khám phá và tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ.
Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho hay, năm 2024, Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung được Chủ tịch UBND huyện Krông Nô tặng Giấy khen vì đã có nhiều đóng góp trong công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Thời gian qua, chính quyền địa phương từ xã đến huyện thường xuyên tập huấn, hướng dẫn người dân trong Tổ du lịch cộng đồng Jôk Nâm Nung các kiến thức, kỹ năng đón khách, thuyết trình, phục vụ du khách.