'Tư duy trà chanh khiến chúng ta quẩn quanh với xe máy'

Cứ ra ngã tư nào đó ở Hà Nội hay TP.HCM vào tầm xế chiều, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc: Vài chiếc bàn nhựa, ghế nhựa kê vội ven đường, mấy cốc trà chanh đá và đĩa hạt hướng dương.
Người ngồi đó có thể là sinh viên, nhân viên văn phòng hay người bán hàng online đang tạm ngưng công việc để "trà chanh chém gió".
Cũng từ những quán như vậy, nhiều người trẻ vẫn tự hào gọi đó là khởi nghiệp nho nhỏ.
Với thói quen và tư duy buôn bán theo kiểu "trà chanh" ấy, cùng với lối sống bám chặt lấy mặt đường, đang góp phần giữ chân người Việt trong cái vòng luẩn quẩn của phương tiện cá nhân - đặc biệt là xe máy.
Xe máy giúp luồn lách qua từng ngõ ngách, ghé quán ăn tạm trên lề đường, đỗ trước tiệm tạp hóa, quán cóc. Đó là sự tiện lợi mà ôtô hay phương tiện công cộng chưa thể nào đáp ứng. Nhưng đó cũng là thứ tiện lợi khiến xã hội đô thị Việt Nam không thể lớn lên.
Cái khó nằm ở chỗ, nhiều người vẫn xem xe máy là biểu tượng của tính linh hoạt, không hiểu rằng việc bám víu vào xe máy cũng là bám víu vào một hệ thống đô thị chắp vá. Đường phố chật hẹp, không có bãi giữ xe chuẩn chỉnh, vỉa hè bị lấn chiếm, phương tiện công cộng thiếu sự kết nối... tất cả khiến việc rời bỏ xe máy trở nên bất khả thi với phần đông người dân.
Trong đời sống đô thị Việt Nam, xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển. Nó là một phần của nhịp sống, là vật gắn liền với thói quen sinh hoạt: Đi chợ, đón con, ghé quán cơm bụi, rẽ ngang vào một tiệm tạp hóa. Nó tồn tại không chỉ vì sự tiện lợi, mà vì cả một cấu trúc xã hội đã được xây dựng xoay quanh nó.
Một số người nghĩ đơn giản rằng chỉ cần mở rộng hệ thống giao thông công cộng là nhiều người rời bỏ xe máy. Nhưng thực tế không đơn giản vậy.
Xe máy tồn tại không phải vì giao thông công cộng kém, mà vì toàn bộ "thiết kế đô thị" từ vỉa hè đến nhà ở, từ chợ đến quán xá, đều sinh ra cho xe máy (giống như mấy quán trà chanh vỉa hè "tấp cái xe vào là có chỗ mua bán" chính là thứ đang trói chân đô thị Việt.
Vậy phải làm sao? Tôi nghĩ mô hình TOD (Transit-Oriented Development) phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Đó là cả một tư duy quy hoạch: gom lại nơi ở, nơi làm việc, cửa hàng, trường học... quanh các điểm trung chuyển.
TOD đặt câu hỏi: Nếu bạn sống ở đây, bạn có thể sống và di chuyển mà không cần xe cá nhân không? Mô hình TOD rõ ràng là một hướng đi đáng để nghiên cứu và tiếp cận dần ở các đô thị lớn.
Nói một cách dễ hiểu, TOD là cách quy hoạch để người dân có thể sống, làm việc, giải trí trong phạm vi đi bộ từ các điểm trung chuyển như nhà ga, bến xe buýt. Các cửa hàng, dịch vụ, chung cư, văn phòng sẽ nằm gần nhau và được kết nối bằng các trục giao thông công cộng. Ở đó, người dân không cần đến xe máy vẫn có thể di chuyển thuận tiện, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Tư duy trà chanh không sai, nhưng nếu cứ mãi bám lấy cái tiện của vỉa hè, của xe máy thì đô thị vẫn sẽ còn hình ảnh nơi chen lấn, kẹt xe và ô nhiễm.
Hà Thanh