Nhảy đến nội dung
 

Từ đề thi tốt nghiệp THPT: Cần phải thay đổi việc dạy và học

Không bàn về độ khó, dễ; với cách ra đề thi tập trung vào đánh giá năng lực thay vì chỉ thuần kiến thức thuộc lòng trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, các giáo viên và học sinh nhận thấy rằng nếu giữ cách dạy cũ, chắc chắn sẽ bối rối, hụt hẫng với dạng đề thi mới.

Biết tự học, biết tư duy độc lập là những kỹ năng cần thiết để học sinh (HS) phát huy năng lực của mình.

KHÔNG THỂ DẠY THEO LỐI TRUYỀN ĐẠT, GHI CHÉP, THUỘC LÒNG

Nhiều giáo viên (GV) nhìn nhận đề thi tốt nghiệp năm nay cho thấy tinh thần cải cách rất rõ ràng. Nội dung ra đề không chỉ phủ đều chương trình 3 năm bậc THPT mà còn lược bỏ phần nặng về lý thuyết, học thuộc, để tập trung nhiều hơn vào kỹ năng vận dụng và giải quyết tình huống thực tiễn. Đó là một bước ngoặt quan trọng và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (P.Bến Thành, TP.HCM), cho rằng đề thi là chiếc gương phản ánh trung thực quá trình dạy và học. Nếu cứ giữ cách dạy cũ, học theo lối mòn, thì khi nhìn vào đề thi mới, chắc chắn sẽ cảm thấy bối rối, hụt hẫng. Nhưng nếu đã chủ động đổi mới, biết tự học, biết tư duy độc lập, thì đề thi năm nay thực sự là cơ hội để HS phát huy năng lực của mình.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, các GV khi nhận xét đề thi đều cho rằng chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đặt trọng tâm vào phát triển phẩm chất, năng lực HS thông qua các hoạt động học tập tích cực, trải nghiệm, khám phá. Ở nhiều môn như ngữ văn, hóa học, vật lý, sinh học…, đề thi không còn đặt nặng vào học thuộc lòng, mà yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất, vận dụng kiến thức vào thực tế, giải thích hiện tượng hoặc giải quyết tình huống đặt ra. Đó không chỉ là sự thay đổi ở mức kỹ thuật ra đề, mà còn là một bước dịch chuyển lớn trong triết lý giáo dục, từ nhồi nhét kiến thức sang giáo dục phát triển. Để đồng hành cùng sự đổi mới ấy, GV buộc phải thay đổi.

Thạc sĩ Phú cho rằng nhìn vào đề thi tốt nghiệp THPT 2025, GV không thể tiếp tục dạy theo lối truyền đạt, ghi chép, học thuộc để thi cử như trước. Giờ đây, mỗi tiết dạy phải là một hành trình khám phá, nơi HS được suy nghĩ, đặt câu hỏi, tranh luận và tự kết luận bằng tư duy của chính mình.

Đặc biệt, khi đề thi yêu cầu nhiều nội dung liên quan đến ứng dụng thực tiễn và thí nghiệm (điển hình trong các môn khoa học tự nhiên), thì GV càng phải linh hoạt hơn trong việc tổ chức các hoạt động học. Phải dạy sao để HS được quan sát, thao tác, mô phỏng và trải nghiệm, thay vì chỉ nghe giảng và chép bài.

BIẾN LỚP HỌC THÀNH "PHÒNG THÍ NGHIỆM TƯ DUY"

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (P.Bình Thới, TP.HCM), cho rằng GV cần tập trung nâng cao chất lượng tiết học chính khóa, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, hướng tới phát triển năng lực thực hành, tư duy hóa học, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Mỗi bài giảng nên là một chuỗi hoạt động học tập đa dạng, sinh động, biến lớp học thành một "phòng thí nghiệm tư duy", nơi HS được chủ động khám phá, đặt câu hỏi "vì sao", thay vì tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Đồng thời, hoạt động kiểm tra, đánh giá cần được thiết kế bài bản và mang tính phát triển năng lực, nhằm khơi gợi tiềm năng, tạo động lực học tập cho HS ngay từ khi lựa chọn môn học.

Đề thi hóa học năm nay cũng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong cách tiếp cận nội dung, các câu hỏi không còn xoay quanh bối cảnh giả định, mà được xây dựng trên các tình huống mang tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học thực nghiệm. Đây là cách đề thi hiện thực hóa tinh thần của chương trình GDPT 2018, giúp HS làm chủ kiến thức, biết vận dụng vào đời sống, có định hướng nghề nghiệp, sống cuộc đời có trách nhiệm, phong phú và cống hiến. Vì vậy, dạy học không thể chỉ dừng lại ở sách giáo khoa hay giảng dạy lý thuyết. GV cần mạnh dạn tổ chức các hoạt động học tập gắn với STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học), nghiên cứu nhỏ, dự án học tập để HS vừa học vừa làm, vừa sáng tạo.

ĐẦU TƯ MẠNH MẼ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Theo thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, GV cần thiết kế các hoạt động học mở, phân hóa, tăng cường giao nhiệm vụ học tập có tính khám phá. Các hình thức đánh giá như nhật ký học tập, phản biện nhóm, sản phẩm cá nhân… sẽ giúp HS từng bước làm chủ tri thức và quá trình học của chính mình. Khi HS không còn học vì bị thúc ép mà học vì được truyền cảm hứng và thấy rõ ý nghĩa, thì lúc đó năng lực tự học mới thực sự được khơi thông.

Từ đánh giá này, thạc sĩ Phú đề nghị cấp thiết bồi dưỡng GV không chỉ cập nhật kiến thức chuyên môn, mà còn phải làm mới tư duy dạy học, rèn luyện kỹ năng tổ chức lớp học theo hướng phát triển năng lực. "Đã qua rồi thời kỳ GV là người duy nhất nắm giữ tri thức. Thầy cô hôm nay phải là người thiết kế hành trình học tập, là người đồng hành cùng HS trong tiến trình tự học và phát triển bản thân", ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai chương trình GDPT 2018 hiệu quả là cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Khi đề thi đã nghiêng nhiều về kỹ năng thực hành, ứng dụng, thì không thể để HS học "trên giấy", thầy cô giảng chay bằng bảng và phấn. Phòng thí nghiệm, thiết bị thực hành, học cụ tương tác, các phần mềm mô phỏng… cần được đầu tư đúng, đủ và kịp thời.

Nếu không có sự đầu tư từ ban giám hiệu, thì sự đổi mới phương pháp của thầy cô cũng chỉ là phong trào nửa vời. "Một giờ học hóa chỉ có bảng và phấn thì làm sao HS có thể phát triển tư duy thí nghiệm? Một bài học vật lý không có thiết bị đo đạc thì làm sao HS cảm nhận được tính thực tiễn của khoa học?", ông Phú đặt vấn đề.

Từ đó, theo ông Phú, lãnh đạo nhà trường cần phải mạnh dạn rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, ưu tiên ngân sách cho đầu tư thiết bị dạy học và xây dựng môi trường học tập linh hoạt, hiện đại.

Ông Phú cho rằng qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, một bộ phận HS có thể không đạt kết quả như mong muốn. Đó là do HS chưa kịp chuyển mình theo yêu cầu mới. Có em từng học tốt theo kiểu "học thuộc, làm bài mẫu", nay gặp đề mở, bối rối. Có em chưa được tiếp cận các tiết học trải nghiệm, nên khi gặp câu hỏi thực tiễn thì đành "bỏ trắng".

"Trách các em cũng là trách người lớn. Lẽ ra, sự chuyển đổi từ chương trình cũ sang chương trình mới phải được nhà trường, thầy cô tổ chức bài bản, có lộ trình và hỗ trợ đúng lúc. Nhưng vì nhiều lý do, cơ sở vật chất chưa đủ, thầy cô chưa quen, HS không được học thêm… nên khoảng cách giữa mục tiêu đề ra và thực tiễn dạy học vẫn còn. Kỳ thi năm 2025 là cơ hội để chúng ta nhìn lại sự chênh lệch đó để sự thay đổi đi vào từng tiết học, từng bài giảng", thầy Phú chia sẻ.


HỌC ĐỂ HIỂU CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐỐI PHÓ THI CỬ

Hiệu trưởng một trường THPT tại P.Sài Gòn (TP.HCM) nhấn mạnh, một kỳ thi đổi mới không thể thành công nếu chỉ trông chờ vào GV hay nhà trường. Đổi mới giáo dục cần cái bắt tay đồng thuận từ cả 3 phía: nhà trường, gia đình, xã hội. Phụ huynh cần hiểu rằng, cách học của con em mình đã khác. Không thể bắt các em học thuộc lòng, nhồi nhét bài vở, chạy theo điểm số. Hãy động viên các em học vì hiểu, học vì muốn, học để giải quyết vấn đề chứ không phải học để đối phó kỳ thi.

Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh: "Xã hội cũng cần thay đổi cách nhìn. Không thể đánh giá chất lượng giáo dục chỉ bằng tỷ lệ tốt nghiệp hay điểm chuẩn đầu vào. Cần đặt câu hỏi: Sau kỳ thi, HS đã phát triển năng lực gì, có khả năng sống và làm việc trong xã hội số hay chưa? Đó mới là đích đến thật sự".

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn