Từ cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm

TP - Chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng với hàng loạt đối tác thương mại, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc điện đàm đó thể hiện sự chủ động và linh hoạt của Việt Nam khi xử lý các vấn đề thách thức trong môi trường đối ngoại và hội nhập. Tính chủ động và linh hoạt cũng đã góp phần làm nên thành công của nền ngoại giao Việt Nam trong suốt 50 năm qua, từ dấu mốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những dấu ấn lịch sử
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về những dấu ấn nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong hành trình nửa thế kỷ của đất nước, chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc, đánh giá: “Bản thân sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã là dấu mốc quan trọng nhất, không chỉ của Việt Nam mà với cả thế giới, của các dân tộc đang đấu tranh giải phóng quốc gia”.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN |
Chỉ 2 năm sau khi thống nhất, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc (LHQ) - một bước ngoặt mở đầu cho thời kỳ hội nhập và xác lập vị thế quốc tế của đất nước. Sau đó, chúng ta đạt được một dấu ấn ngoạn mục nữa về ngoại giao, đó là gia nhập ASEAN. Gác lại những nghi kỵ trong nhiều năm, các nước khu vực đã trân trọng mời Việt Nam gia nhập tổ chức này.
Ông Phúc cũng nhắc đến sự kiện Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Dù là thành viên mới, chúng ta đã đứng ra tổ chức rất thành công 2 kỳ hội nghị thượng đỉnh APEC vào các năm 2006 và 2017.
Ông cho rằng, trong quan hệ quốc tế luôn có bạn có thù, có lúc này lúc kia, nhưng Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, và chủ trương đúng đắn đó đã dẫn đến việc Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995 và Mỹ đã bỏ cấm vận Việt Nam.
Đến năm 2006, Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). “Nếu ASEAN là sự hội nhập khu vực thì WTO là bước hội nhập quốc tế rất chững chạc của Việt Nam. Dù bấy giờ nền kinh tế của chúng ta còn khó khăn, khác xa hiện nay, thế nhưng chúng ta đã rất mạnh dạn và được quốc tế chào đón”, ông Phúc nói.
Đến nay Việt Nam đã thiết lập được các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược theo lĩnh vực với nhiều quốc gia trên thế giới.
Với nền ngoại giao uyển chuyển, thân thiện, làm bạn, làm đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, Việt Nam còn là điểm gặp gỡ của những nỗ lực giải quyết bất đồng, như thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 hay việc bốn lần tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak…
“Tất nhiên chúng ta phải có tài có lực mới làm được như vậy, vì nhiều nước gia nhập ASEAN và LHQ cũng không thể hiện vai trò nổi bật như Việt Nam”, ông Phúc nói.
GS Carlyle Thayer, chuyên gia tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc cho rằng, so với một số quốc gia sáng lập ban đầu, Việt Nam hiện đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp vào hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
GS Thayer nhấn mạnh việc Việt Nam đóng góp sĩ quan và đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam vào các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi kể từ năm 2014.
Bí quyết
Về những yếu tố góp phần tạo nên uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam, ông Phúc cho rằng điều quan trọng nhất là chính sách đối ngoại nhất quán. Trong mấy thập kỷ qua, Việt Nam luôn duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các quốc gia, không gây hấn, không đi với bên này để chống bên kia, không chọn phe…
Người Việt Nam có câu “Có thực mới vực được đạo”. Sự phát triển thành công về kinh tế - xã hội của chúng ta là yếu tố quan trọng tạo nên những thành công về đối ngoại.
![]() |
Các nữ quân nhân Việt Nam lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Nguồn: TN |
“Những nỗ lực phát triển bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau, với những chương trình xóa đói giảm nghèo và xóa nhà dột nát khiến thế giới phải công nhận Việt Nam”, ông nói.
Ông cũng cho rằng, nhờ đức tính cần cù, chịu khó, Việt Nam đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, như khủng hoảng tài chính 1997-1998 hay khủng hoảng COVID-19, và chưa bao giờ rơi vào khủng hoảng chính trị. “Nền chính trị tự chủ, độc lập của chúng ta tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giới đầu tư”, ông nói.
Chủ động và dẫn dắt
GS Thayer cũng cho rằng Việt Nam đã củng cố vị thế là một thành viên xây dựng của cộng đồng quốc tế bằng cách duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc, bất chấp sự cạnh tranh của họ.
Việt Nam là quốc gia duy nhất đã tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9/2023), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (tháng 6/2024) trong một thời gian ngắn. Gần đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 14-15/4.
Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông công bố một loạt mức thuế đối ứng. Ông Trump mô tả cuộc điện đàm đó “rất hiệu quả”.
Theo ông Phúc, cuộc điện đàm trước tiên cho thấy sự chủ động của Việt Nam. “Tôi cho rằng sự chủ động ấy còn có tính chất dẫn dắt, vì sau đó nhiều quốc gia cũng làm như vậy. Cuộc điện đàm chứng tỏ Việt Nam theo đuổi phương pháp ngoại giao mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển, đồng thời cho thấy vai trò và vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Phúc nói.
"Ngoại giao muốn phát triển rực rỡ thì kinh tế phải tiếp tục tăng trưởng, không chỉ dừng lại ở 8% mà phải là 2 con số, như chủ trương mà Chính phủ đã đề ra; vẫn phải duy trì phát triển bền vững, phát triển bao trùm, chuyển đổi xanh để không đứng ngoài xu thế của thế giới”.Ông Phạm Phú Phúc
Theo chuyên gia này, cuộc điện đàm là một ví dụ nữa thể hiện Mỹ công nhận thể chế chính trị và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc được cử làm Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm sang Washington làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thống nhất lộ trình để hai bên đàm phán tiến tới một thỏa thuận thương mại.
Về câu hỏi Việt Nam nên làm gì để tiếp tục giữ vững, nâng cao vị thế của mình trong tình hình quốc tế đầy biến động hiện nay, ông Phúc cho rằng chúng ta phải chủ động thích ứng, kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp để bảo đảm lợi ích của quốc gia dân tộc. “Bị động trong ngoại giao nguy hiểm không kém bị động về quốc phòng và an ninh”, ông nói.
Ông Phạm Phú Phúc cũng cho rằng, Việt Nam cần kiên định chính sách ngoại giao năng động, mạnh mẽ nhưng mềm dẻo, chủ động trong các cơ chế đa phương cũng như quan hệ song phương.