Tự chỉnh video, kể chuyện bằng... chip não Neuralink

Chip não Neuralink của tỉ phú Elon Musk tiếp tục chứng minh khả năng hỗ trợ người bị khiếm khuyết chức năng cơ thể.
Theo Business Insider, một bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực giao diện não-máy tính vừa được hé lộ, khi bệnh nhân Brad Smith mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) không còn khả năng nói, đã tự chỉnh sửa và tường thuật một video YouTube bằng chính con chip Neuralink cấy trong não của ông. Đây là minh chứng sống động cho tiềm năng thay đổi cuộc sống của công nghệ do tỉ phú Elon Musk hậu thuẫn.
Kỳ diệu bệnh nhân chỉnh sửa video bằng ý nghĩ với Neuralink
Brad Smith, người thứ ba trên thế giới và là bệnh nhân ALS đầu tiên được cấy chip Neuralink, đã mang đến cái nhìn cận cảnh về cách công nghệ này hoạt động. Căn bệnh ALS (hay bệnh Lou Gehrig) là một rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển, cướp đi khả năng kiểm soát cơ bắp tự chủ của bệnh nhân, gồm cả việc nói, ăn uống và di chuyển.
Với con chip Neuralink - kích thước chỉ bằng vài đồng xu xếp chồng chứa hơn 1.000 điện cực - cấy trong vỏ não vận động, Smith giờ đây có thể điều khiển con trỏ chuột trên máy tính MacBook Pro. Anh chia sẻ, việc nghĩ đến cử động lưỡi và nghiến chặt hàm tỏ ra hiệu quả hơn là tưởng tượng cử động tay để điều khiển con trỏ và thực hiện các cú nhấp chuột ảo.
Điều đặc biệt hơn, video YouTube do Smith đăng tải được tường thuật bằng chính giọng nói của anh, được AI tái tạo từ những bản ghi âm trước khi anh mất khả năng nói. Công nghệ này không chỉ cho phép sáng tạo nội dung mà còn giúp anh giao tiếp hiệu quả hơn so với phương pháp theo dõi mắt (eye-gaze) trước đây, vốn bị giới hạn trong phòng tối. Giờ đây, Smith có thể giao tiếp ngay cả khi ở ngoài trời và trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Thậm chí, anh còn có thể vui đùa cùng các con qua những trận game Mario Kart.
Trong một cuộc gọi từ ông Musk, nhà sáng lập Neuralink bày tỏ hy vọng công nghệ này sẽ là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi" cho Smith và gia đình. Bản thân Smith cũng không giấu nổi xúc động: "Phải mất nhiều năm để đến được đây và tôi vẫn thường suy sụp và khóc".
Trước Smith, Neuralink đã cấy chip cho bệnh nhân đầu tiên vào tháng 1.2024 là Noland Arbaugh, một người bị liệt tứ chi. Những thành công bước đầu này đang thắp lên hy vọng lớn cho hàng triệu người trên thế giới đang phải vật lộn với các chứng bệnh thần kinh làm suy giảm khả năng vận động và giao tiếp.