Từ 2026 người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí

'Khám sức khỏe định kỳ là để người dân chủ động đánh giá tình trạng hiện tại, dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, giúp ngành y tế địa phương xác định được cơ cấu bệnh tật tại địa phương".
Dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt mục tiêu từ năm 2026 mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất mỗi năm một lần hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm một lần.
Phương án nào để đạt được điều này?
Cần quy định cụ thể về khám sức khỏe định kỳ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, là người được mời tham gia góp ý về dự thảo nghị quyết, đại biểu Trần Khánh Thu (Hưng Yên) nhấn mạnh mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần từ năm 2026 là chủ trương rất nhân văn, cần thiết.
Việc này đảm bảo sức khỏe toàn dân, hướng tới chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Theo bà Thu, Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều cuộc họp đã phát biểu nhấn mạnh định hướng về mục tiêu này.
Tuy nhiên, đại biểu Thu cho rằng trong dự thảo đang nêu thêm "hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm một lần" chưa rõ ràng, vô hình trung lại làm giảm đi tính chất nhân văn và cấp thiết của việc khám sức khỏe định kỳ cho người dân, vì để từ nối "hoặc" có nghĩa là chỉ thực hiện một trong hai nội dung.
"Khám sức khỏe định kỳ là để người dân chủ động đánh giá tình trạng hiện tại, dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, giúp ngành y tế địa phương xác định được cơ cấu bệnh tật tại địa phương mình để từ đó xây dựng chiến lược phát triển ngành y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn...
Do vậy, tôi đề xuất chỉ nên để mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần", bà Thu nêu.
Bà Thu cũng chỉ rõ để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Bộ Y tế cần có quy định về khám sức khỏe định kỳ với các chỉ định cận lâm sàng phải thực hiện.
Bởi với những đối tượng nguy cơ thì các xét nghiệm cơ bản có thể chẩn đoán sớm, giúp dự phòng các bệnh tiến triển nặng như tim mạch, đái tháo đường...
Thậm chí một số bệnh di truyền cũng có thể phòng ngừa từ rất sớm như bệnh Thalasmia...
Khi đưa danh mục khám cụ thể như vậy cũng sẽ quy ra được số tiền cần chi trả cho mỗi lần khám và nhân với tổng số người dân thực hiện, từ đó giúp đánh giá được tác động tài chính khi thực hiện chính sách này.
Điều quan trọng là cần tăng cường năng lực cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho cơ sở y tế tuyến ban đầu để đủ khả năng và điều kiện thực hiện khám sức khỏe.
Trong đó, cần có các chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế để bổ sung về tuyến cơ sở, nhất là ở các vùng sâu, xa, khó khăn.
Kèm theo đó có các chính sách về tiền lương, phụ cấp ưu đãi thực sự tốt đối với nhân viên y tế để giữ chân họ thực hiện nhiệm vụ ở tuyến cơ sở.
Đưa dữ liệu sức khỏe vào sổ sức khỏe điện tử
Đại biểu Thu nói thêm, hiện nay, theo kế hoạch Đề án 06 của Chính phủ, tới đây 100% người dân có định danh mức độ 2 thì trên VNeID đã có thông tin của sổ sức khỏe điện tử nên cần được kích hoạt và tích hợp các thông tin dữ liệu tình hình sức khỏe người dân vào.
Như vậy, để việc khám sức khỏe định kỳ đạt hiệu quả, cần có cập nhật dữ liệu về kết quả khám của cơ sở y tế thực hiện lên sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Cùng với đó, dữ liệu này sẽ được cơ quan công an quản lý VNeID cấp phép cho cơ quan y tế của địa phương được phép truy cập để tiếp nhận quản lý, phân tích, đánh giá, phân chia thành các nhóm bệnh và số lượng người dân mắc.
Ví dụ ở địa phương này có nhiều người dân mắc các nhóm bệnh về tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa... hay địa phương kia có nhiều người dân mắc các bệnh về huyết áp, bệnh mãn tính, cấp tính khác có các tỉ lệ bất thường...
Từ đó giúp tầm soát, đưa ra hướng để cơ quan y tế dễ dàng theo dõi, lên các kế hoạch và hướng quản lý, giám sát, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân.
Đồng thời qua đây cũng giúp phát hiện các nhóm người dân có nguy cơ cao về các bệnh để cơ quan y tế có khuyến cáo về khám sức khỏe định kỳ, thậm chí 6 tháng/lần đối với họ.
Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh việc người dân ngại khám sức khỏe định kỳ thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa có thói quen, thậm chí là chưa tin tưởng vào y tế cơ sở hay sợ tốn kém...
Do vậy, khi thực hiện mục tiêu này, cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu về ý nghĩa nhân văn, an sinh xã hội.
Đồng thời, bà Thu đề nghị cần giao nhiệm vụ cụ thể việc khám bệnh định kỳ của người dân cho UBND cấp xã. Bởi cấp xã là nơi gần dân nhất, nắm rõ danh sách người dân trên địa bàn và tuyên truyền, thực thi việc hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho người dân.
Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục phạm vi khám cụ thể
Chia sẻ về chủ trương này, bà Trần Thị Trang - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - khẳng định đây là mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội, trong đó cần lấy bảo hiểm y tế (BHYT) làm nền tảng.
Về chính sách khám sức khỏe định kỳ miễn phí dự kiến thực hiện ngay từ năm 2026.
Theo bà Trang ước tính, mức bình quân chung cho một lần khám là 300.000 đồng với các chỉ tiêu khám cơ bản về mặt sinh hóa, công thức máu, chụp X-quang phổi, X-quang ngực, có thể có siêu âm...
Bộ Y tế sẽ rà soát để xây dựng cụ thể danh mục phạm vi khám sức khỏe định kỳ, chỉ tiêu khám để bảo đảm đạt yêu cầu chuyên môn, phù hợp theo đối tượng cần khám, bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHYT và ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, chính sách này đi kèm sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh tật, giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu tại tuyến y tế cơ sở, giảm chi phí điều trị sau này. Người dân sẽ được lập hồ sơ quản lý sức khỏe trọn đời, từ khi còn trong bụng mẹ cho đến lúc về già.
Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng nhấn mạnh để thực hiện được mục tiêu, cần chuẩn bị tốt về đào tạo và nhân lực. Theo đó, cần có chiến lược đào tạo và cơ chế tuyển dụng người địa phương, đào tạo rồi đưa họ trở về phục vụ chính quê hương mình.
Chương trình đào tạo cho y tế cơ sở cũng cần điều chỉnh. Bác sĩ ở cơ sở phải là người có năng lực toàn diện vừa biết đỡ đẻ vừa biết cấp cứu gãy xương đùi, nhồi máu cơ tim, tiêm phòng, chăm sóc răng miệng cơ bản, xử lý các bệnh thông thường...
Dù không cần quá chuyên sâu như ở tuyến trung ương nhưng phải giỏi về nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu ban đầu của người dân.
Thứ hai, chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc. Phải có chính sách phù hợp để bác sĩ yên tâm công tác tại cơ sở. Điều kiện làm việc, trang thiết bị thiết yếu, thuốc men cũng phải được đảm bảo.
Cuối cùng là ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử liên thông từ phường xã lên tỉnh thành, trung ương.
Điều này giúp tuyến trên có thể hội chẩn, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn điều trị từ xa, giảm tải cho tuyến trên và người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn ngay tại địa phương.
Còn bà Trần Thị Trang cũng cho rằng ngoài nhân lực cần bảo đảm năng lực của hệ thống y tế; cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng, nhằm bảo đảm người dân sẽ được hưởng thụ các dịch vụ thuận tiện nhất ngay tại nơi cư trú, lao động.
"Trạm y tế xã muốn khám sức khỏe định kỳ, muốn chăm sóc khám chữa bệnh đa khoa cơ bản thì ít nhất phải được đầu tư tương đương như một phòng khám đa khoa; phải được đầu tư, củng cố về con người và thiết bị. Ngân sách nhà nước phải bảo đảm các hoạt động này.
Ngoài ra, trạm y tế xã phải có bác sĩ để thực hiện công việc xét nghiệm sinh hóa, chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, sàng lọc sớm một số bệnh cơ bản, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở mức đa khoa.
Như vậy, tối thiểu phải có 3-5 bác sĩ đa khoa tại mỗi trạm y tế xã. Đồng thời phải có mạng lưới bác sĩ gia đình để tham gia ngay tại cơ sở", bà Trang nêu.