TT Trump tiết lộ nước đầu tiên sẽ ký thoả thuận thuế quan với Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán về thuế quan với Ấn Độ đang “tiến triển rất tốt” và ông tin rằng Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với nước này.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp báo chung ở Washington ngày 13/2/2025. Ảnh: ANI/TTXVN. |
Kênh CNBC chiều 29/4, theo giờ Mỹ, cho biết cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phát biểu ngắn gọn với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng rằng: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một thỏa thuận với Ấn Độ”.
Ông Trump nói: “Thủ tướng (Ấn Độ), như các bạn biết, đã tới đây ba tuần trước, và họ muốn đạt được một thỏa thuận”.
Những bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói rằng Mỹ đang “rất gần với một thỏa thuận với Ấn Độ”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Bessent cho biết chính quyền Trump cũng đã có các cuộc thảo luận “đáng kể” với Nhật Bản về một thỏa thuận thương mại tiềm năng, và rằng “các đường nét của một thỏa thuận” với Hàn Quốc cũng đang bắt đầu hình thành.
Phó tổng thống JD Vance đã gặp Thủ tướng Modi vào tuần trước. Hai nhà lãnh đạo “đã đạt được một số tiến triển rất tốt, vì vậy tôi có thể thấy sẽ có một vài thông báo liên quan đến Ấn Độ”, ông Bessent nói. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời điểm cụ thể.
“Một quốc gia như Ấn Độ, vốn đã thiết lập sẵn các mức thuế quan, thì việc đàm phán với họ dễ dàng hơn nhiều”, ông Bessent nói thêm.
Ông Raghuram Rajan, một nhà kinh tế học và giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, nhận định rằng “Ấn Độ sẽ được lợi rất lớn nếu có thể đàm phán để hạ thấp mức thuế quan, ngay cả khi một số quốc gia khác vẫn duy trì mức thuế cao hơn”.
“Điều đó có thể khiến nhiều công ty nhìn nhận lại Ấn Độ theo một cách hoàn toàn mới, đặc biệt là nhờ vào quy mô lớn của thị trường nội địa Ấn Độ”, ông Rajan phát biểu trên kênh CNBC vào ngày 29/4.
Nhà Trắng đã và đang nỗ lực để đạt được các thỏa thuận thương mại với các đối tác trong những tuần sau khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế quan diện rộng.
“Chúng ta có 18 mối quan hệ thương mại quan trọng, và chúng ta sẽ nói chuyện với tất cả các đối tác đó hoặc ít nhất là với 17 nước trong vài tuần tới. Nhiều trong số đó đã đến Washington”, ông Bessent nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn cho biết thêm trong buổi họp báo rằng các mối quan hệ thương mại với 17 đối tác “đang được thúc đẩy” và danh sách này không bao gồm Trung Quốc.
Về phần mình, Tân Hoa Xã cho hay vào ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn tuyên bố nếu Mỹ muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế quan thông qua đối thoại và đàm phán, nước này nên chấm dứt các mối đe dọa và gây sức ép.
Ông Quách Gia Côn đưa ra những phát biểu trên tại một cuộc họp báo thường kỳ để đáp lại những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent về vấn đề thuế quan với Trung Quốc.
Ông Bessent bày tỏ: "Tôi tin rằng Trung Quốc phải hạ nhiệt, vì họ bán cho chúng tôi (hàng hóa) nhiều gấp 5 lần so với chúng tôi bán cho họ".
Ông Quách Gia Côn tuyên bố cuộc chiến thuế quan là do Mỹ phát động và Washington nên tìm cách đối thoại dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi.
Ngày 2/4, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp áp thuế quan đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Mức thuế cơ bản được đặt ở mức 10% và các mức cao hơn được áp dụng đối với 57 quốc gia dựa trên mức thâm hụt thương mại của Mỹ với từng nước.
Ngày 9/4, ông Trump tuyên bố sẽ chỉ áp mức thuế cơ bản 10% trong vòng 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia chưa trả đũa và đã đề nghị đàm phán, ngoại trừ Trung Quốc.
Khi cuộc chiến thương mại leo thang, mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên 145%, trong khi Trung Quốc áp mức thuế 125% lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Tiếp đó vào ngày 16/4, chính phủ Mỹ cho biết hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này phải đối mặt với mức thuế quan lên đến 245%.
Sáu ngày sau, vào hôm 22/4, Tổng thống Trump đã phát đi tín hiệu mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc, nói rằng mức thuế đánh vào Trung Quốc sẽ được giảm đáng kể, nhưng sẽ không trở về mức 0.
“Tôi vẫn muốn duy trì thương mại với Trung Quốc, nhưng họ phải đạt được thỏa thuận”, ông Trump phát biểu, đồng thời tiết lộ rằng biểu thuế mới đối với Trung Quốc có thể sẽ được công bố trong vòng hai đến ba tuần tới.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.