Nhảy đến nội dung
 

Trượt gói thầu 2.000 tỷ ở sân bay Long Thành, liên danh Viettel – VNPT tiếp tục kiến nghị lần 2

Liên danh VNPT – Viettel đã 2 lần kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu công nghệ tại sân bay Long Thành.

Liên danh nhà thầu VNPT - Viettel quan ngại loạt vấn đề về gói thầu tại sân bay Long Thành

Ngày 1/5/2025, Liên danh nhà thầu VNPT - Viettel kiến nghị lần 2 về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu công nghệ tại sân bay Long Thành.

Thông tin của Vietnamfinance cho biết, kiến nghị nêu rõ thông tin về các thiết bị camera sinh trắc học hay camera cho hệ thống thu phí, nhận dạng biển số.

Cụ thể, nhà sản xuất Krupp Technology (Singapore) và Nhà sản xuất HyperMicron (Singapore) cho các Thiết bị camera nhận dạng biển số và Phần mềm thu phí, Smart Parking cũng ghi nhận một số các vấn đề về tính minh bạch, pháp lý của Nhà sản xuất.

Trong đơn kiến nghị, VNPT – Viettel cho rằng nhiều sản phẩm và thiết bị trong hồ sơ trúng thầu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và pháp lý như quy định trong E-HSMT (hồ sơ mời thầu điện tử).

Cụ thể, phần mềm sinh trắc học BioStation do ETC cung cấp không có thông tin công khai trên website tại thời điểm chấm thầu và chỉ đạt chứng nhận ISO 30107-3 mức độ 1 – thấp hơn mức yêu cầu là cấp độ 2.

Ngoài ra, đối với thiết bị màn hình LED (hàng hóa số 59), liên danh trúng thầu sử dụng mã hàng WA1.5 của hãng Taylorleds. VNPT – Viettel dẫn nguồn kỹ thuật cho rằng thiết bị này không đạt yêu cầu về độ cao và độ phân giải như hồ sơ mời thầu quy định.

Về hệ thống cáp quang ngoài trời, các sản phẩm được chào từ hãng Commscope – model 760249720, 760251968, 760249746, 760251970 – chỉ chống thấm nước trong 24 giờ, không đáp ứng tiêu chuẩn "ngập nước dài hạn" như hồ sơ yêu cầu.

Liên danh VNPT – Viettel cũng bày tỏ quan ngại khi nhiều thiết bị được coi là "cốt lõi", "trái tim" của Cảng hàng không quốc tế Long Thành như phần mềm sinh trắc học, hệ thống autogate, camera an ninh do nhà thầu ETC cung cấp chưa từng được triển khai thực tế tại các cảng hàng không.

Trong kiến nghị, liên danh này cũng nêu ra các trường hợp, đơn cử như camera sinh trắc học dùng cho autogate, check-in do hãng Krupp Technology (Singapore) sản xuất – được cho là mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam và chỉ do ETC, HITD phân phối – chưa có tiền lệ áp dụng tại các sân bay trọng điểm.

Trước đó, hôm 22/4, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 5.11 Thi công lắp đặt và cung cấp thiết bị hệ thống quản lý sân bay thuộc Dự án thành phần 3 Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tổng giá trị gói thầu là gói thầu 1.938,9 tỷ đồng.

Liên danh trúng thầu gồm: CTCP Hệ thống công nghệ ETC, CTCP Công nghệ kỹ thuật số HITD, CTCP Công nghệ viễn thông Elcom (ELC), CTCP Tư vấn chuyển giao công nghệ ITC và CTCP Thương mại và Dịch vụ công nghệ GTSC Việt Nam.

Giá trúng thầu là 1.938,9 tỷ đồng – thấp hơn 28,5% so với giá dự toán. 

Trong gói thầu này, Liên danh VNPT – Viettel là đơn vị dự thầu còn lại nhưng không được chọn, dù chào giá 1.949,7 tỷ đồng.

Ngày 28/4, liên danh này đã gửi kiến nghị về quá trình đánh giá hồ sơ.

Vì sao liên danh VNPT - Viettel trượt thầu sân bay Long Thành?

Ngày 23/4/2025, lãnh đạo ACV cho biết, lý do liên danh trên trượt thầu vì bỏ giá cao. Hiện tại, ACV và Liên danh trúng thầu đang chuẩn bị ký hợp đồng. Hạ tầng thi công lắp đặt Gói thầu số 5.11 cơ bản đã có.

Do phải sớm hoàn thành Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 nên Nhà thầu sẽ triển khai thực hiện Gói thầu số 5.11 trong tháng 4/2025 ngay sau khi ký hợp đồng.

Về sân bay Long Thành, đây là siêu sân bay của Việt Nam, bởi dự án có quy mô lên đến 5 ngàn hécta, tổng số vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, công suất khoảng 100 triệu lượt người/năm và hàng hóa 5 triệu tấn/năm.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.

Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.

Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

Dự án được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương vùng Đông Nam bộ kỳ vọng mở ra cơ hội đột phá cho phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động khu vực xung quanh sân bay.