'Trung tâm tài chính là kênh dẫn vốn tốt cho TP HCM sau sáp nhập'

Nhận định được ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) nêu tại "Hội nghị tập huấn Kỹ năng quản lý, điều hành, giám sát và giải quyết tranh chấp hướng đến thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP HCM" chiều 14/7.
"TP HCM mới có nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư các dự án metro, đường sắt, khu công nghiệp và nhà ở xã hội. Trong đó, trung tâm tài chính quốc tế sẽ là kênh dẫn vốn hiệu quả cho địa phương", ông Vũ đánh giá.
Kể từ 1/7, TP HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành một "siêu đô thị" với diện tích 6.772 km2 và hơn 14 triệu dân. Đầu tàu kinh tế chiếm 23% GDP cả nước, là trung tâm của nhiều ngành kinh tế trọng điểm như tài chính, công nghệ và dịch vụ.
Chỉ tính riêng TP HCM cũ theo quy hoạch công bố đầu năm 2025, ước tính nhu cầu đầu tư giai đoạn 2026-2030 cần 4,4 triệu tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách chỉ đảm đương 1,1 triệu tỷ đồng. Điều này cho thấy quy hoạch cũ của đầu tàu kinh tế đã rất "khát" vốn thì quy mô mới càng có nhu cầu lớn hơn.
Theo Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ phát triển một trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại TP HCM và Đà Nẵng. Trong đó, TP HCM phát triển thị trường vốn, ngân hàng, thị trường tiền tệ, cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, đổi mới sáng tạo lĩnh vực tài chính, các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng nhận định Thành phố nằm ở trung tâm Đông Nam Á, dễ dàng kết nối với các trung tâm tài chính lớn, thuận lợi cho giao thương, trao đổi vốn quốc tế. Địa phương cũng có nền tảng tốt, tập trung nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính.
Để trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM phát huy vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả, các chuyên gia gợi ý các kinh nghiệm quốc tế từ Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana (AIFC) tại Kazakhstan trong việc phát triển sản phẩm, cơ chế tư pháp để thu hút và tạo niềm tin nhà đầu tư.
Ông Zharas Mussabekov, Giám đốc Tài chính Sàn Giao dịch Quốc tế Astana (AIX) thuộc AIFC, cho biết sàn này cung cấp nhiều sản phẩm tài chính đa dạng, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm cấu trúc (quỹ ETF, công cụ ETN).
Trong đó, cổ phiếu gồm chào bán lần đầu (IPO), chào bán thêm (SPO) và niêm yết từ thị trường khu vực. Trái phiếu trên sàn trải dài từ trái phiếu lãi suất cố định, miễn thuế, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức, hay trái phiếu hồi giáo (Sukuk, tuân thủ luật Shariah), trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội.
Vốn hóa thị trường trên AIX đã đạt 82,1 tỷ USD vào cuối năm 2024, tăng 7,7% so với 2023. "Số lượng niêm yết mới tăng gần gấp đôi trong nửa đầu năm 2025, phản ánh sự tự tin bền vững từ cả bên phát hành và nhà đầu tư", ông Mussabekov nói.
Điểm tạo lợi thế giúp thu hút dòng vốn nước ngoài của AIX còn nhờ khung pháp lý thân thiện, dễ hiểu đối với nhà đầu tư quốc tế, cùng cơ sở hạ tầng công nghệ hỗ trợ bởi NASDAQ. Trong đó, AIFC có tòa án giải quyết tranh chấp thương mại và Trung tâm Trọng tài Quốc tế (CIAC) gồm 61 trọng tài viên và trung gian quốc tế từ EU, Anh, Mỹ, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Nhật Bản và các nước khác.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, trước quan ngại về độ vênh giữa hệ thống pháp luật Việt Nam và thông luật (common law) thường được sử dụng bởi các trung tâm tài chính quốc tế, giải pháp của AIFC có thể tham khảo. "Astano có ví dụ rất hay về thuê ngoài trọng tài từ các đơn vị uy tín từ Anh hoặc Hong Kong, sử dụng các thẩm phán quốc tế nổi tiếng để xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư", ông chỉ ra.
Theo Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, các bên trong Trung tâm tài chính được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp theo luật Việt Nam. Họ còn có thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nước ngoài; trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính quốc tế; trọng tài Việt Nam và tòa án nước ngoài, Việt Nam.
Ngoài ra, với việc trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM có ranh giới địa lý xác định, gồm một phần quận 1 cũ và gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, việc quản lý hiệu quả cũng là thách thức cần học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế.
"Vấn đề đặt ra là quản lý các hoạt động cả trong và ngoài ranh giới này, đảm bảo các chính sách thúc đẩy sự sáng tạo, dòng vốn chảy vào và tạo nên sự thịnh vượng nhưng quản lý được các rủi ro trong ngành tài chính", ông Vũ lưu ý.
Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết Thành phố đang tập trung định hướng phát triển các sản phẩm chuyên biệt, phát huy thế mạnh của địa phương, mục tiêu thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu, gắn với động lực tăng trưởng kinh tế. Ông kỳ vọng quan hệ TP HCM và Trung tâm Tài chính Astana tiếp tục phát triển, tạo điều kiện hai bên chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Viễn Thông