Trung Quốc 'quay lưng' dừng nhập khẩu nhiều mặt hàng then chốt của Mỹ: Thương chiến hạ nhiệt nhưng nông dân Mỹ vẫn 'đứng ngồi không yên'

Nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ vẫn chưa lấy lại được chỗ đứng tại Trung Quốc dù cả 2 nước đã đạt được thỏa thuận ngừng thuế quan.
SCMP đưa tin, lượng đậu nành và thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm xuống mức 0 vào đầu tháng 5 và vẫn chưa phục hồi, dù hai nước đã đạt được thỏa thuận ngừng thuế quan. Diễn biến này cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đã gây ra những tổn thất lâu dài cho một trong những ngành xuất khẩu nông sản chủ lực của Washington.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường trọng điểm đối với nông sản Mỹ. Theo dữ liệu từ chính phủ Hoa Kỳ, riêng năm 2024, nông dân nước này đã xuất khẩu hơn 12,8 tỷ USD đậu nành sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại gần như bị đình trệ hoàn toàn sau khi Tổng thống Donald Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh từ đầu tháng 4, với việc cả hai bên liên tục áp thuế trả đũa lên hàng hóa của nhau, tổng mức tăng lên tới hơn 100 điểm phần trăm.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy lượng đậu nành và thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc – vốn là hai mặt hàng xuất khẩu then chốt – đã giảm mạnh kể từ đầu tháng 4 và chạm ngưỡng bằng 0 vào đầu tháng 5.
Trong những ngày sau 12/5 – thời điểm hai nước công bố thỏa thuận tạm thời hạ nhiệt căng thẳng – xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Các đơn đặt hàng mới đã tăng trở lại gần mức trước tháng 4, song tổng lượng hàng thực tế vẫn ở mức thấp tính đến ngày 15/5.
Ngược lại, xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc tính đến ngày 15/5 vẫn duy trì ở mức 0, không ghi nhận thêm bất kỳ hợp đồng mua bán nào mới.
Với nông dân Mỹ, mối lo lớn là cuộc chiến thương mại đã thúc đẩy xu hướng tự chủ nông sản của Trung Quốc, khiến nước này tăng tốc kế hoạch giảm phụ thuộc vào đậu nành Mỹ – điều có thể khiến nhu cầu sụt giảm lâu dài.
Vào tháng 4, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ ưu tiên mở rộng diện tích trồng đậu nành trong nước và cải tiến hiệu quả sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu đậu nành số lượng lớn. Bắc Kinh cũng tăng cường hợp tác với Brazil – quốc gia đã vượt Mỹ để trở thành nhà cung cấp đậu nành số một của Trung Quốc – nhằm gia tăng nhập khẩu từ đối tác này.
Cần nhắc lại rằng đậu nành và thịt lợn nằm trong nhóm sản phẩm đầu tiên của Mỹ bị Bắc Kinh áp thuế 10% vào tháng 3, nhằm đáp trả mức thuế 20% mà Washington áp lên hàng hóa Trung Quốc do cáo buộc liên quan đến fentanyl.
Theo số liệu của Mỹ, Trung Quốc đã mua hơn 340.000 tấn đậu nành trong tuần kết thúc ngày 3/4, nhưng con số này giảm mạnh xuống còn 68.000 tấn vào tuần kết thúc ngày 1/5, và sau đó hoàn toàn bằng 0 trong tuần tiếp theo.
Ngành thịt lợn cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Cho đến đầu tháng 4, Mỹ vẫn xuất khẩu hàng nghìn tấn thịt lợn sang Trung Quốc mỗi tuần. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc hủy bỏ hơn 12.000 tấn đơn hàng – mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đến tuần kết thúc ngày 1/5, lượng thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc giảm còn 24 tấn, trước khi về 0 vào tuần sau đó.
Sau khi hai bên ngừng áp thuế, lượng đặt hàng của Trung Quốc đã phục hồi nhẹ, đạt 200 tấn vào tuần kết thúc ngày 15/5. May mắn cho các nhà chăn nuôi lợn Mỹ, trong tuần kế tiếp, đơn đặt hàng mới tăng vọt lên 7.838 tấn – gần trở lại mức trước chiến tranh thương mại – sau khi từng rơi xuống mức âm trong tháng 4.
Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ trong lĩnh vực này. Trong năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,07 triệu tấn thịt lợn, trong đó có 70.153 tấn đến từ Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 105 triệu tấn, với 21% lượng đậu đến từ Mỹ.