Trung Quốc nói Mỹ nhiều lần liên hệ, cân nhắc đàm phán thuế: "Cuộc thi" giữa 2 cường quốc?

Sau 3 tháng đe dọa và áp thuế cao đến mức gần như hạn chế thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cả hai bên hiện dường như đang giảm nhẹ giọng điệu của mình.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ xóa mọi mức thuế
Trung Quốc đang cân nhắc tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ sau khi có ý kiến từ Washington, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu (2/5), báo hiệu khả năng xoa dịu cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Trung Quốc đã ghi nhận những phát ngôn liên tiếp từ các quan chức cấp cao của Mỹ, bày tỏ mong muốn đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề thuế quan", một phát ngôn viên của Bộ cho biết.
"Đồng thời, phía Mỹ gần đây đã chủ động chuyển tiếp thông điệp tới Trung Quốc thông qua các kênh liên quan, bày tỏ mong muốn tham gia đàm phán. Trung Quốc hiện đang cân nhắc vấn đề này".
Nếu Mỹ thực sự muốn đàm phán, họ phải "thể hiện sự chân thành bằng cách giải quyết các hành vi sai trái của mình" và "có hành động cụ thể", bao gồm cả việc xóa bỏ mọi mức thuế đơn phương mà họ áp đặt đối với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Dan Wang, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Eurasia Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại New York, cho biết tuyên bố của Bộ Thương mại không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường chính trị của Trung Quốc.
Mặc dù một số mức thuế quan đã được cả hai bên hạ xuống trong thực tế, với các miễn trừ đối với một số mặt hàng nhất định, điều kiện tiên quyết của Trung Quốc để đàm phán vẫn là xóa bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đơn phương của Mỹ, trên thực tế là đưa quả bóng trở lại sân của Washington, Wang cho biết.
"Khả năng hai bên đạt được bất kỳ loại thỏa thuận nào đều không tăng lên", bà nói thêm.
Sau các đợt tăng thuế quan ăn miếng trả miếng giữa 2 bên kể từ khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, hầu hết các lô hàng của Trung Quốc sang Mỹ hiện phải đối mặt với mức thuế mới là 145%, trong khi hàng hóa của Mỹ vào Trung Quốc phải chịu mức thuế bổ sung là 125%.
Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 800 USD trở xuống được gửi qua đường bưu chính bắt đầu phải chịu mức thuế là 90% giá trị hoặc 75 USD cho mỗi mặt hàng - mức thuế này sẽ tăng lên 150 USD cho mỗi mặt hàng sau ngày 1/6.
Cuộc thi "Ai chớp mắt trước" của 2 cường quốc
Sau 3 tháng đe dọa và áp thuế cao đến mức gần như hạn chế thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cả hai bên hiện dường như đang giảm nhẹ giọng điệu của mình.
Trước đó, tờ Washington Post dẫn nguồn 2 blog có liên hệ mật thiết với Bắc Kinh cho biết nước này đã ra tín hiệu rằng họ đang cởi mở hơn trong việc tham gia đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Trump, ngay cả khi Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong cuộc chiến thương mại. Đồng thời, Trung Quốc đã miễn một số hàng hóa do Mỹ sản xuất, bao gồm cả chất bán dẫn, khỏi mức thuế quan 125%.
Tuần trước, Tổng thống Trump dường như đã dịu giọng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Phòng Bầu dục rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc "sẽ không cao tới 145%" và "sẽ giảm đáng kể, nhưng sẽ không bằng 0".
Điều này diễn ra trong bối cảnh dữ liệu mới cho thấy cuộc chiến thương mại đang gây tổn hại cho cả hai bên.
Dữ liệu được công bố cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc nói chung trong tháng 4 là yếu nhất trong hơn một năm, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Về phía Mỹ, dữ liệu được công bố vào thứ Tư cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã suy giảm trong 3 tháng đầu năm 2025, khi sự bất ổn về thương mại khiến người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp lo lắng.
Một điều chắc chắn là: Bắc Kinh và Washington dường như đều đang đặt cược vào ý tưởng rằng thiệt hại kinh tế từ thương chiến sẽ thúc đẩy quốc gia còn lại ngồi vào bàn đàm phán trước.
"Cả hai bên đều đang chờ bên kia chớp mắt trước", Yao Yang, một nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết. "Cả hai bên đều lo lắng nếu nhượng bộ trước, họ sẽ mất quyền mặc cả trong cuộc đàm phán".
(Phép so sánh dựa trên trò chơi "Ai chớp mắt trước", trong đó, 2 người tham gia sẽ nhìn nhau, ai chớp mắt trước thì thua - PV)
Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn tỏ ra là bên nhượng bộ", Ja Ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Một cách để thoát khỏi trò chơi này là có một bên thứ ba làm trung gian, cung cấp cho cả hai bên một lối thoát, Wen-Ti Sung, thành viên của Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc tại Úc cho hay.