Nhảy đến nội dung
 

Trung Quốc: Mỹ nhiều lần muốn tiếp cận đàm phán thương mại

Trung Quốc cho biết phía Mỹ đã nhiều lần muốn tiếp cận đàm phán, song cảnh báo Washington cần dỡ bỏ các mức thuế đơn phương và không biến đàm phán thành công cụ gây áp lực.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ gỡ bỏ mọi mức thuế đơn phương nếu muốn tiến đến đàm phán. Ảnh: Reuters.

Ngày 2/5, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phía Mỹ đã nhiều lần tiếp cận Bắc Kinh nhằm tìm kiếm khả năng khởi động các cuộc đàm phán liên quan đến mức thuế 145% mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại, phát đi tín hiệu "hạ nhiệt" sau thời gian dài căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tái khẳng định rằng Washington cần gỡ bỏ toàn bộ mức thuế đơn phương nếu muốn tiến tới bất kỳ cuộc đối thoại nào.

Đồng thời, giới chức Trung Quốc cũng cảnh báo việc Mỹ không thực hiện điều này sẽ cho thấy "thiếu thiện chí rõ rệt" và "làm tổn hại thêm lòng tin giữa hai bên", theo CNBC.

"Nếu Mỹ thực sự muốn đàm phán, họ cần thể hiện thành ý, sửa chữa những hành động sai lầm và hủy bỏ các mức thuế đơn phương đã áp đặt", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.

"Việc nói một đằng làm một nẻo, hay thậm chí sử dụng đối thoại như cái cớ để gây áp lực và cưỡng ép, Trung Quốc sẽ không chấp nhận", người này nói thêm.

Trung Quốc từ lâu đã phản đối mạnh mẽ các biện pháp thuế quan của Mỹ, cho rằng đây là hành động mang tính bắt nạt và khẳng định điều này không thể cản bước sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Dù vậy, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Bắc Kinh vẫn đang âm thầm tìm cách giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thuế quan, bao gồm việc lập danh sách các mặt hàng Mỹ được miễn trừ thuế trả đũa 125%, trong đó có dược phẩm, vi mạch và động cơ phản lực.

Tuyên bố mới nhất từ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông điệp trái chiều từ cả chính quyền ông Trump và giới lãnh đạo Bắc Kinh về việc liệu hai bên đã bắt đầu đàm phán hay chưa - khi cả 2 đều muốn tránh bị xem là bên nhượng bộ trước.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết trong chương trình Hannity của Fox News rằng "phía Trung Quốc muốn gặp và đàm phán", đồng thời tiết lộ rằng các cuộc đối thoại có thể diễn ra trong thời gian tới.

"Chúng ta cần thận trọng với những phát ngôn qua lại giữa hai bên”, ông Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, nhận định. Theo ông, cả Washington và Bắc Kinh đều đang “chờ đối phương chớp mắt trước".

Ông cũng cho rằng các cuộc tiếp xúc ở cấp làm việc có thể đã hoặc sắp được triển khai, mở đường cho việc điều chỉnh mức thuế về ngưỡng "ít gây tổn hại hơn", trong khoảng 40-50% trong 1-2 quý tới.

Tại Washington, một số quan chức như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng hạ nhiệt căng thẳng.

Trong khi đó, Tổng thống Trump ngày 1/5 cho rằng "có cơ hội lớn" để đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức thích ứng linh hoạt với bối cảnh quốc tế biến động, dù không trực tiếp nhắc đến Mỹ.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.