Trồng tre trên dãy Trường Sơn

TP - Trong các chuyến trở về và đi dọc Việt Nam từ Bắc tới Nam, TS Đặng Trung Phước đã phát hiện ra rằng, suốt dọc Trường Sơn được cây cối bao phủ, nhưng chủ yếu là cây keo, ngoại lai, không sinh vật nào có thể cộng sinh. Ông ấp ủ ý tưởng thay thế cây keo bằng cây tre vừa bảo tồn sinh vật bản địa, vừa mang lại lợi ích kinh tế.
![]() |
TSKH Ðặng Trung Phước - Chủ tịch Hội Bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới, Chủ tịch Hội Canada – Việt Nam |
Thủ đô Ottawa của Canada hơn 10 năm qua luôn thu hút khách du lịch đến với đồi cát Pinhey được mệnh danh là “hòn ngọc của thủ đô”, nhưng ít ai biết rằng, người có công tái thiết đồi cát cổ xưa ngay giữa lòng thủ đô hiện đại này là Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội Bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới, Chủ tịch Hội Canada - Việt Nam.
Tái thiết đồi cát cổ ở Canada
Ý tưởng tái thiết đồi cát Pinhey, Ottawa, bắt nguồn từ những tấm ảnh chụp từ máy bay năm 1925 mà TS Đặng Trung Phước phát hiện trong quá trình nghiên cứu. Những hình ảnh đen trắng ấy tiết lộ một sự thật đáng kinh ngạc: Ottawa từng là vùng đất của những đồi cát rộng lớn cách đây 8 - 10 nghìn năm, trước khi quá trình rừng hóa tự nhiên và sau này là đô thị hóa xóa sạch dấu vết của chúng. Là một nhà côn trùng học, ông nhận ra rằng hệ sinh thái đồi cát này không chỉ là cảnh quan độc đáo, mà còn là nơi cư trú của những loài sinh vật đặc hữu - từ các loài côn trùng có khả năng đào hang sâu 3, 4 mét để chống chọi mùa đông khắc nghiệt, đến những loài bướm hiếm có đang dần biến mất khỏi khu vực.
TS Phước chia sẻ: “Tôi sống ở Canada hơn 30 năm và được coi là một thành phần của đất nước Canada đa văn hóa, đa sắc tộc. Dự án tái thiết đồi cát cổ xưa ở thủ đô Canada là để trả ơn những gì đất Canada đã cho tôi”.
TS Phước nhớ lại, chính quyền thủ đô Ottawa rất cố gắng bảo vệ cây cối, vành đai xanh của thành phố. Vậy mà dự án tái thiết đồi cát của ông phải bắt đầu bằng việc đốn rừng nên bị phản đối. Năm 2012, TS Đặng Trung Phước trình bày kế hoạch tái tạo đồi cát với chính quyền Ottawa - một dự án mang tính cách mạng đòi hỏi phải đốn rừng để khôi phục hệ sinh thái cát nội địa quý hiếm. Với lập luận khoa học chặt chẽ và tầm nhìn dài hạn, chỉ trong vòng một tháng, ông đã thuyết phục thành công cả ba cấp chính quyền: Trung ương, tỉnh và địa phương về dự án mang đậm dấu ấn thời tiền sử trong giai đoạn kết thúc của thời kỳ đóng băng ở Canada.
![]() |
Công việc bắt đầu vào năm 2013. Chỉ sau ba tháng, lớp cát trắng bắt đầu lộ ra từ dưới lớp đất. Đến mùa xuân năm sau, khi tuyết tan, cát trắng lấp lánh xuất hiện và những sinh vật tưởng chừng tuyệt chủng đã bắt đầu trở lại: những loài bướm di cư từ miền Nam đến, các loài thực vật đặc hữu môi trường cát và đặc biệt có cả những loài côn trùng rất nhỏ bé.
![]() |
Ðồi cát Pinhey hôm nay |
Đồi cát Pinhey giờ đây trở thành trường học tự nhiên ngoài trời. Rất nhiều học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và sinh viên đại học đến đây để học tập, nghiên cứu về đồi cát và những sinh vật sống ở đồi cát. Du khách từ khắp Canada cũng đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồi cát, một cảnh quan thời tiền sử. Hiện nay, đồi cát Pinhey, được mệnh danh là "hòn ngọc của thủ đô" với vẻ đẹp hoang sơ và những giá trị giáo dục, khoa học vô giá mà nó mang lại, đã được công nhận là một trong những di sản địa chất trong vùng thủ đô của Canada.
Sinh ra tại Việt Nam, TS khoa học Đặng Trung Phước theo đuổi đam mê khoa học tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ, nơi ông hoàn thành bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Côn trùng học. Sau khi tốt nghiệp, ông định cư tại Canada và gia nhập Bộ Nông nghiệp Canada, làm việc tại Viện Nghiên cứu Côn trùng từ năm 1975 đến 2005. TS Đặng Trung Phước đã sáng lập Hội Bảo tồn đa dạng sinh vật thế giới (Biodiversity Conservancy International) và hiện giữ chức Chủ tịch.
Phục hồi hệ sinh thái rừng bản địa Việt Nam
Gặp gỡ TS Đặng Trung Phước ngay sau tọa đàm “Phục hồi và bảo vệ tài nguyên sinh vật đa dạng, hệ sinh thái rừng bản địa của Việt Nam” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hồi giữa tháng 3 vừa qua, ông chia sẻ: “Tôi rất muốn về đóng góp cho đất nước. Là nhà sinh vật học, tôi mong bảo vệ sự đa dạng sinh vật của Việt Nam, một gia tài vô cùng quý báu mà ông bà để lại nhưng vì chiến tranh, chúng ta tạm thời phải hy sinh để mau thoát nghèo”.
Ông cho biết: “Tôi có dịp đi từ Huế ra Đà Nẵng, dọc dãy Trường Sơn, thấy dày đặc duy nhất một loại cây, đó là cây keo. Mà cây keo là loài cây ngoại lai, nhập từ Úc về, không sinh vật nào sống được, khỉ voọc không ăn được lá cây keo. Người dân ở đây sống nhờ cây keo, vì vậy sẽ phải thay cây sao cho không ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Chúng ta nên thay thế bằng cây bản địa, chính là cây tre. Cây tre có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây keo, từ cái tăm, bàn ghế, tủ giường… đều được làm bằng tre”.
Hơn nữa, tre là loài thực vật phát triển rất nhanh, một ngày có thể cao thêm một thước, hấp thụ rất nhiều khí carbonic. Cây tre có tác dụng giữ đất, giữ nước rất tốt, chống sạt lở và hạn chế lũ cuốn, lũ quét. Trong lúc trồng cây tre, có thể trồng xen với cây bản địa như cây trầm rất tốt. Tại tọa đàm ở Quốc hội vừa qua, TS Phước đề xuất mô hình trồng cây tre ở dải Trường Sơn và kết nối với nhau thành một hành lang sinh thái của dãy Trường Sơn, nơi thực vật, động vật có thể di chuyển từ Bắc vào Nam.
![]() |
Loài bướm hiếm có trở lại đồi cát Pinhey |
Vườn bướm và vườn quốc gia Đồi Cát
Tiến sỹ Đặng Trung Phước mong mỏi một ngày nào đó Việt Nam cũng sẽ có Vườn quốc gia đồi cát (có thể thiết lập từ khu đồi cát Bình Thuận) để bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch bền vững.
Không những thế, ông cũng mong muốn khôi phục vườn bướm ở Đại Nội, Huế vì xung quanh Lăng Gia Long có khu rừng nguyên sinh rất đẹp.
Ông đề xuất ý tưởng này với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và hy vọng ý tưởng này sớm thành hiện thực.