Trồng bông kiểng ‘quốc dân’ trên đất phèn mặn, thu nhập trăm triệu đồng

Trồng thành công bông trang kiểng trên đất phèn mặn, Nguyễn Trung Toán (23 tuổi, ngụ xã Lương Nghĩa, H.Long Mỹ, Hậu Giang) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đất phèn mặn "nở hoa"
Trong khu vườn rộng 1 ha là đất phèn mặn, Toán trồng hơn 2.000 gốc bông trang kiểng đỏ lá kim. Hầu hết cây được cắt tỉa dáng bầu tròn, trồng theo hàng thẳng tắp. Khu vườn có nhiều mương dài, đóng vai trò là những hồ chứa nước ngọt để đảm bảo tưới tiêu.
Toán kể khu vực trồng bông trang kiểng từng là đất ruộng. Bà ngoại trồng lúa không hiệu quả nên Toán thuê lại canh tác. Nhận đất, Toán chuyển sang trồng bông trang kiểng, trong khi mọi người xung quanh vẫn mặn mà với cây lúa và nuôi tôm luân phiên.
Theo Toán, bông trang là loại kiểng "quốc dân", vì ở miền Tây nhiều nhà thường trồng làm hàng rào trang trí cho đẹp mắt. Dù dễ trồng, ở đâu cây cũng có thể trổ bông, nhưng để kinh doanh phải đáp ứng nhiều yếu tố về thẩm mỹ. Đó là cây phải có thân dáng đầy đặn, lá mượt, bông trổ đều.
"Nếu nơi khác trồng được cây có tán rộng và chiều cao 40 - 50 cm chỉ mất khoảng 1 năm thì vùng đất phèn mặn này cần tới 1,5 năm. Cây chậm lớn, nhánh chậm vượt, nhưng bù lại cây tập trung nhiều dinh dưỡng để nuôi bông. Mỗi kỳ ra hoa rất đạt, đó là động lực để tôi theo đuổi nghề", Toán chia sẻ.
Sau thời gian rút kinh nghiệm, Toán đặc biệt chú trọng tới 3 việc hàng đầu cho "đất phèn nở hoa". Một là, cải tạo đất bằng cách rải vôi, bón phân lân định kỳ. Hai là, bón phân hữu cơ – tưới nước theo công thức và liều lượng nhất định để giữ môi trường phát triển ổn định. Ba là, đoán trước sâu bệnh để chủ động phòng ngừa.
Những yếu tố trên giúp bông trang kiểng khỏe mạnh, nhưng để đẹp mắt đòi hỏi phải có kỹ năng cắt tỉa, tạo dáng làm vừa lòng khách hàng. Toán chia sẻ: "Thị trường hiện nay ưa chuộng hơn những cây kiểng dáng bầu tròn, kích thước không quá lớn. Vì vậy, mỗi tháng tôi phải thuê vài thanh niên địa phương phụ tay cắt tỉa thường xuyên. Tôi chỉ tập trung vào bông trang đỏ, vì đã thử trồng bông trang màu tím, sen, cam, vàng trên đất phèn mặn nhưng không được như ý muốn".
Thu nhập cao nhờ lối đi mới
Toán cho biết chi phí trồng bông trang kiểng không nhiều, có thể xem là một công việc lấy công làm lời. Tùy vào diện mạo và kích thước, giá mỗi cây giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng.
"Trước đây, cũng trên mảnh đất này, nhà ngoại tôi trồng lúa 2 vụ, lợi nhuận chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm. Nhưng năm vừa rồi, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ việc trồng bông kiểng, cao gấp nhiều lần trồng lúa", Toán phấn khởi nói.
Kết quả trên còn đến từ việc Toán "giải" được bài toán về thị trường, biết cách đưa bông trang kiểng từ nội đồng ra những thành phố lớn. Toán kể trước đó anh có hơn 4 năm đi làm công nhân công ty cây xanh ở TP.HCM. Chính thời gian này đã giúp Toán tích lũy được nhiều kiến thức, không những về kỹ thuật mà còn xây dựng mối quan hệ, am hiểu phần nào cách xây dựng kênh thị trường tiêu thụ.
Nhờ biết cách giới thiệu cây kiểng online hiệu quả, những video do Toán quay sản phẩm chia sẻ lên mạng xã hội được quan tâm và ngày càng lan tỏa. Hiện, khách hàng của Toán ở khắp nơi, nhiều nhất là TP.HCM, Đồng Tháp, Hà Nội. Bên cạnh mặt hàng chủ lực là bông trang kiểng, Toán còn trồng xen đinh lăng Thái, nguyệt quế Thái, bàng cẩm thạch, tùng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm (55 tuổi, khách hàng của Toán), bông trang kiểng mua không khó nhưng có trường hợp mua ở cửa hàng thì tươi tốt, khi về trồng xuống đất thì dần cằn cỗi (do đất ít dinh dưỡng hơn cửa hàng – PV). Với những bông trang kiểng đã thích nghi được trên vùng đất phèn mặn như của Toán vì khi trồng nơi khác đa phần sẽ tốt hơn. Ông cũng muốn anh Toán chiết cành bán cây giống để khách có thể tự chăm sóc cho cây lớn lên.