Trình Quốc hội lập tòa phá sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM

TAND tối cao đề xuất bỏ tòa án cấp huyện, thành lập tòa án khu vực, trong đó lập 3 tòa án chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Sáng 8.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí đã trình Quốc hội dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức TAND.
Bỏ tòa án cấp huyện, thành lập tòa án khu vực
Theo ông Lê Minh Trí, đề xuất sửa đổi lần này là không tổ chức cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 3 TAND cấp cao), không tổ chức TAND cấp huyện và thay thế bằng mô hình TAND khu vực. Hệ thống tòa án theo đề xuất sẽ gồm gồm 3 cấp: TAND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực.
Với TAND khu vực, ông Trí cho biết, sẽ chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các tòa chuyên trách trong TAND khu vực. Trong đó, quy định tại các TAND khu vực có các tòa chuyên trách gồm: tòa hình sự, tòa dân sự, tòa hành chính, tòa kinh tế, tòa gia đình và người chưa thành niên.
Ngoài ra, TAND tối cao dự kiến tổ chức 3 tòa phá sản tại 3 TAND khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; tổ chức 2 tòa sở hữu trí tuệ tại 2 TAND khu vực ở Hà Nội và TP.HCM.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất với đề xuất của cơ quan trình về việc thành lập tòa kinh tế tại TAND khu vực; tòa sở hữu trí tuệ, tòa phá sản tại một số TAND khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính.
Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, do tranh chấp về kinh doanh, thương mại, sở hữu trí tuệ và giải quyết phá sản ngày càng phổ biến và đều là loại việc khó, có tính chất phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện thành lập tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực. Có ý kiến tán thành nhưng băn khoăn về việc đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu bố trí tại các tòa chuyên trách này.
Nâng số lượng thẩm phán TAND tối cao lên từ 23 - 27 người
Về tổ chức TAND tối cao, ông Lê Minh Trí cũng cho biết, TAND tối cao đề nghị tăng số lượng thẩm phán TAND tối cao từ 13 - 17 người lên thành từ 23 - 27 người để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
Do số lượng thẩm phán TAND tối cao có sự điều chỉnh nên cần sửa đổi quy định cho phép TAND tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao từ nguồn ngoài tòa án.
Cụ thể, TAND tối cao đề nghị bổ sung điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao trong trường hợp đặc biệt theo hướng bổ sung trường hợp người đang là thẩm phán TAND và có từ đủ 5 năm trở lên làm vụ trưởng vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao thì được xem xét bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận nhưng số lượng không quá 10% tổng số thẩm phán TAND tối cao (3 người).
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí tăng số lượng thẩm phán TAND tối cao lên 23 - 27 người để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới tiếp nhận từ TAND cấp cao, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử.
Ủy ban Tư pháp - Pháp luật cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện để mở rộng nguồn đối tượng xem xét, bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao trong trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo ông Tùng, quy định này là cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ thẩm phán TAND tối cao giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.