Nhảy đến nội dung

Trình Quốc hội đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku gần 44.000 tỉ đồng

Chính phủ dự kiến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nối Gia Lai với Bình Định dài 125 km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 19.5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh sẽ báo cáo về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Theo Chính phủ, toàn tuyến cao tốc dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, chia thành 2 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, giao UBND tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm thực hiện.

Điểm đầu tại QL19B thuộc địa phận TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Theo đó, đoạn qua Bình Định dài hơn 40 km, đoạn qua Gia Lai dài hơn 80 km.

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha, gồm đất trồng lúa khoảng 189,92 (trong đó đất lúa trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 181,31ha); đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha (trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 94 ha); các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 43.734 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách T.Ư và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2025, hoàn thành năm 2029.

Chính phủ cũng đề xuất dự án được áp dụng 9 cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ và phân cấp, phân quyền đầu tư. Trong đó, có 3 chính sách đã được áp dụng cho dự án đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, 5 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một chính sách đã được áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, hệ thống giao thông kết nối khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum với Bình Định và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ chủ yếu bằng tuyến đường bộ, thông qua các tuyến quốc lộ 19, 24 và 25.

Trong khi đó, vận tải đường thủy không có điều kiện phát triển; vận tải đường sắt không hiệu quả do chênh lệch địa hình, chi phí đầu tư rất cao; vận tải hàng không chủ yếu phục vụ vận tải hành khách cự ly dài tới khu vực phía bắc và phía nam. 

Vì vậy, việc xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là cần thiết, nhằm phát huy tốt lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch của khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Báo cáo thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, dự án chia thành 2 dự án thành phần theo địa giới hành chính của tỉnh Bình Định và Gia Lai. Tuy nhiên, tới đây sau sáp nhập, 2 tỉnh sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh. 

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu phương án phân chia dự án thành phần phù hợp với chủ trương sáp nhập tỉnh, năng lực quản lý của địa phương...

Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án.

Ngoài ra, theo Quy chế số 01-QC/TW của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII quy định các dự án quan trọng quốc gia cần phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến theo quy định. 

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn