Nhảy đến nội dung
 

Trẻ 'không nói chuyện được với cha mẹ', phải làm sao?

Không ít bạn trẻ hiện nay chia sẻ cảm giác không thể hoặc khó nói chuyện được với cha mẹ, bởi cảm thấy bị phán xét, thiếu sự tin tưởng. Các chuyên gia cho rằng vai trò của những người định hướng (mentor) ngày càng trở nên cấp thiết.

Khi một lời chào hỏi cũng trở nên khó nói

Ở lứa tuổi từ THCS đến THPT, học sinh trải qua một giai đoạn phát triển tâm sinh lý quan trọng và phức tạp. Ẩn sau những biểu hiện nổi loạn hay thu mình là một thực tế đáng lo ngại: nhiều em trải qua tổn thương tâm lý mà người lớn khó lòng thấu hiểu để can thiệp kịp thời.

M.H. (học lớp 9 tại một trường THCS danh tiếng ở Hà Nội) từng là học sinh giỏi 6 năm liền. Nhưng từ đầu năm lớp 9, cậu bắt đầu thay đổi: điểm số giảm sút, ít tương tác với bạn bè, và gần như không giao tiếp với cha mẹ ngoài những câu trả lời cụt lủn.

“Mỗi lần bố mẹ hỏi học hành thế nào, em thấy như bị chất vấn. Mọi thứ trong nhà đều xoay quanh việc học, nhưng không ai hỏi con có đang ổn không. Em không dám chia sẻ đang áp lực, vì sợ bị nói là yếu đuối”, M.H chia sẻ. 

M.H không phản ứng bằng cãi vã hay chống đối - em chỉ dần im lặng. Trong mắt cha mẹ, đó là sự vô tâm nhưng với M.H đó là cách duy nhất để bảo vệ bản thân khỏi tổn thương.

Không chỉ M.H, nhiều học sinh chia sẻ cảm giác “không thể nói chuyện được với cha mẹ”, cảm thấy bị phán xét, không được tin tưởng. Một số em đối mặt với sự cô lập trong nhóm bạn, bạo lực học đường tinh vi trên mạng xã hội, hoặc đơn giản là cảm giác không thuộc về bất kỳ đâu. Những cảm xúc âm thầm ấy nếu không được giải tỏa, có thể tích tụ thành lo âu, trầm cảm và dẫn tới hậu quả lâu dài cho sự phát triển nhân cách.

Song, trong khi các em khao khát được lắng nghe và tôn trọng, môi trường học đường và gia đình lại thường đề cao kỷ luật và thành tích, khiến sự thấu cảm bị đánh đổi bằng kỳ vọng. Không ít học sinh có biểu hiện “vô kỷ luật”, “thiếu động lực” hay “nổi loạn” nhưng thực chất các em đang gửi đi tín hiệu cầu cứu dưới dạng hành vi. 

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định, trong bối cảnh giới trẻ ngày càng có xu hướng né tránh các cam kết nghiêm túc và dễ xem nhẹ những giá trị cốt lõi như kỷ luật, lòng biết ơn hay sự chuyên nghiệp, vai trò của người định hướng (mentor) trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.

Theo ông, mentor là người đóng vai trò như “ngọn hải đăng” - không chỉ giúp học sinh nhận diện giá trị bản thân và xây dựng tinh thần trách nhiệm, mà còn tạo không gian cởi mở để các em dám chia sẻ mà không lo bị phán xét. Không giống vai trò giám sát của cha mẹ hay giáo viên, mentor đồng hành với học sinh bằng sự tôn trọng và bình đẳng, từ đó giúp các em hiểu rằng tự do không đồng nghĩa với dễ dãi, và trí tuệ chỉ thực sự có giá trị khi đi cùng với tử tế và kỷ luật.

Những mentor không chỉ dạy kỹ năng, mà còn truyền cảm hứng để trẻ noi theo. Mentor dù không thay thế được vai trò của cha mẹ, nhưng có thể hỗ trợ bằng cách trở thành hình mẫu tích cực cho trẻ. Họ có thể dạy trẻ cách tự quản lý cảm xúc, ra quyết định có trách nhiệm, và hiểu rằng mỗi lựa chọn đều có hậu quả.

“Một mentor có thể hướng dẫn trẻ lập kế hoạch công việc nhỏ, từ đó nhận ra giá trị của sự kỷ luật và cam kết. Họ cũng có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhóm để học cách tôn trọng nỗ lực của người khác, thay vì chỉ tập trung vào cái tôi cá nhân”, ông Nam lấy ví dụ.

Để trẻ không phải “tự lớn lên” thiếu định hướng

Trước thực trạng này, cô Hà Minh, người sáng lập Mentors14 (chương trình cố vấn phát triển bản thân Mentoring 1:1) cho rằng học sinh cần được đồng hành như với một con người toàn vẹn, không chỉ ở nghĩa “người học”.

“Tôi tin rằng mọi học sinh đều mang trong mình tiềm năng phát triển tích cực, nhưng các em cần được lắng nghe, được nhìn nhận như một con người với đầy đủ cảm xúc, nỗi sợ, khát khao và giới hạn. Chỉ khi có một người đồng hành đủ tin cậy, các em mới dám nhìn thẳng vào những vấn đề cá nhân để vượt qua”, cô Minh nói.

Theo cô Hà Minh, giải pháp không nằm ở việc bổ sung kỹ năng hay tăng cường kiểm soát, mà bắt đầu từ việc khơi gợi sự hiểu biết bên trong các em - về bản thân, cảm xúc và về con đường các em muốn bước tiếp. “Trong mối quan hệ mentor (người cố vấn) - mentee (người được cố vấn), sự tin tưởng là điều cốt lõi. Từ đó, mentor không chỉ đóng vai trò định hướng học tập, mà còn giúp học sinh xây dựng năng lực tự nhận thức, khả năng biểu đạt cảm xúc lành mạnh, và ý thức về giá trị cá nhân”.

Cô Hà Minh cho hay, hiện, các chương trình cố vấn tại Mentors14 không đơn thuần giúp học sinh đạt điểm số tốt hơn. Quan trọng hơn, các em học cách trả lời câu hỏi "Mình là ai?", "Mình có thể làm được gì?" và "Thực sự muốn điều gì cho cuộc sống của mình?". Đây là nền tảng để hình thành một cá nhân tự chủ, hiểu rõ mình, đủ sức đối mặt với thay đổi và có trách nhiệm với cộng đồng.

Cô Hà Minh nhấn mạnh: “Giáo dục thực sự không chỉ tạo ra những người giỏi kiến thức, mà là giúp mỗi học sinh trở thành một con người có nhân cách, có khả năng kết nối với chính mình và với xã hội. Mentoring không thay thế cha mẹ hay nhà trường, mà là phần kết nối còn thiếu - lặng lẽ nhưng thiết yếu - trong hành trình lớn lên của các em. Để hướng tới một nền giáo dục toàn diện, việc đồng hành tâm lý cùng học sinh ở tuổi dậy thì cần được nhìn nhận là một phần thiết yếu. Cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đơn vị chuyên môn - không chỉ nhằm giúp học sinh vượt qua giai đoạn “mất phương hướng”, mà quan trọng hơn, các em phát triển bản lĩnh và nội lực để làm chủ cuộc sống”.