Tranh luận bỏ án tử hình với tội nhận hối lộ, sản xuất thuốc giả

Đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8 tội danh, trong đó có tham ô tài sản, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh…
Bỏ án tử hình sẽ giảm tính răn đe?
Thảo luận tại tổ dự án bộ luật Hình sự sửa đổi chiều 20.5, nhiều đại biểu (ĐB) e ngại đề xuất nêu trên sẽ ảnh hưởng đến tính răn đe, khiến tình hình tội phạm trở nên phức tạp hơn. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nhận định hành vi sản xuất thuốc giả là "táng tận lương tâm", có thể gây chết người hàng loạt, phải bị xử lý thích đáng. Bà Lan đặt vấn đề, nếu nhân văn với tội phạm thì với cộng đồng, với người tiêu dùng sẽ ra sao, "lúc vi phạm có nghĩ đến lúc bị trừng phạt hay không?". Bà Lan cho rằng việc duy trì án tử hình tuy không phải giải pháp duy nhất để phòng, chống tội phạm nhưng ít nhiều sẽ mang lại ý nghĩa răn đe, để tội phạm biết sợ, và còn cho thấy sự quyết liệt của nhà nước trong việc xử lý sai phạm.
ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) cũng đề nghị cân nhắc bỏ án tử hình với tội tham ô và nhận hối lộ, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đấu tranh rất mạnh mẽ với tiêu cực, tham nhũng. Ông Sang nói tham nhũng không chỉ xảy ra ở lĩnh vực công mà đã xâm chiếm cả lĩnh vực tư. "Như vụ án Trương Mỹ Lan, tử hình rồi nhưng vẫn khắc phục hậu quả. Vậy nếu người ta biết chắc là không chết, liệu hiệu quả thu hồi tài sản có như chúng ta mong ước hay không?", ĐB Sang nêu.
Hay như tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ông Sang nói để hành vi mua bán trái phép chất ma túy thành công thì đồng phạm "quan trọng" nhất là người vận chuyển. Dù áp dụng hình phạt tử hình nhưng số lượng mua bán, vận chuyển ma túy vẫn ngày càng tăng, có những vụ thu giữ hàng tạ, hàng tấn ma túy. "Nếu bỏ tử hình không khéo VN sẽ trở thành điểm trung chuyển ma túy ra nước ngoài", ông Sang lo ngại.
Dù ủng hộ bỏ án tử hình với một số tội danh, nhưng riêng với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Thứ trưởng Bộ Dân tộc - Tôn giáo Nguyễn Hải Trung còn băn khoăn. Theo ông Trung, tội phạm ma túy có rất nhiều hành vi như sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng, nhưng dự thảo sửa đổi chỉ giảm cho án vận chuyển. "Nhiều người ở các tỉnh miền núi vất vả quá, không có tiền nghĩ ngay đến vận chuyển ma túy từ biên giới sang. Vận chuyển vài gram không vấn đề, nhưng vận chuyển cả tấn thì sao. Có nước làm cả tàu ngầm để vận chuyển thì tác hại thế nào?", ông Trung cho rằng vẫn cần duy trì hình phạt tử hình với tội danh này, song nên có sự phân hóa theo mức độ.
Vừa nhân văn, vừa giảm áp lực cho trại giam
Ngược lại, nhiều ĐB bày tỏ ủng hộ bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh như đề xuất của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh - Đối ngoại, cho biết hiện có 104 quốc gia đã xóa bỏ án tử hình, chỉ còn 28 quốc gia quy định hình phạt này. Việc duy trì hình phạt tử hình với một số tội danh khiến VN gặp khó khăn trong hợp tác quốc tế, không ít yêu cầu dẫn độ tội phạm bị nước bạn từ chối hoặc rơi vào im lặng.
Ông Đức dẫn chứng tội vận chuyển trái phép chất ma túy, cho biết nhiều người phạm tội là dân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa hoặc học sinh, sinh viên, người thiếu hiểu biết, trong khi "chỉ cần 100 gr thì đã bị tử hình". Điều này khiến những người tiến hành tố tụng rất trăn trở, nhất là với những người phạm tội bị dụ dỗ, không hề hay biết bên trong là ma túy.
Tương tự, hành vi sản xuất thuốc giả, ông Đức nói từ trước đến nay chưa có ai bị tử hình về tội danh này. Bởi lẽ, việc xác định hậu quả gây ra đến mức tương ứng với điều khoản áp dụng hình phạt tử hình là rất khó. Nếu người phạm tội biết rõ việc trộn các hóa chất để trở thành thuốc và người sử dụng có thể bị tử vong thì khi ấy sẽ đưa về tội giết người, chứ không còn sản xuất hàng giả nữa.
Hay như nhóm tội tham ô, nhận hối lộ, một trong những mục tiêu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng là thu hồi tài sản, đồng thời tìm ra các kẽ hở, nguyên nhân dẫn đến phạm tội, từ đó đưa ra giải pháp để loại trừ sai phạm…
ĐB Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) thì dẫn kết quả giám sát năm 2023, cho thấy 83% số người bị kết án tử hình là án ma túy. Trong khi số lượng thi hành án tử hình là rất chậm, chỉ khoảng 1% mỗi năm. Ông cho rằng bỏ án tử hình với các tội, nhất là tội vận chuyển trái phép ma túy, vừa thể hiện tính nhân văn vừa giảm tải áp lực cho hệ thống trại giam. "Theo số liệu chúng tôi nắm được thì còn khoảng trên 1.000 đối tượng bị kết án tử hình thiếu buồng giam. Các trại giam thì quá tải", ông Lềnh nói.
Cạnh đó, bỏ án tử hình còn giảm áp lực, khó khăn cho lực lượng quản lý trại giam, nhiều phạm nhân bị kết án tử hình có tư tưởng "không còn gì để mất", rất tiêu cực. Việc này cũng giảm gánh nặng cho ngân sách, vì "kết án tử hình 1 đối tượng, thi hành án 1 đối tượng chi phí khoảng 250 - 500 triệu đồng, nếu chúng ta kết án tử hình hàng nghìn thì gánh nặng ngân sách rất lớn".