Tranh cãi trẻ mầm non diễn hoạt cảnh chiến tranh

TPO - Video các bé mầm non diễn hoạt cảnh chiến tranh, vào vai người lính và người mẹ khóc nức nở vì mất con, đồng đội đang thu hút sự quan tâm, bàn luận.
Những ngày qua, video các bé mầm non diễn kịch, vào vai người lính, người mẹ mất con, mất đồng đội do chiến tranh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn bình luận. Một số người dành lời khen vì hoạt cảnh ngắn không có lời thoại, chỉ có tiếng nấc, giọt nước mắt gây xúc động mạnh.
Tuy nhiên, số đông cho rằng đây là phương pháp không phù hợp với lứa tuổi mầm non.
![]() ![]() ![]() |
Trẻ mầm non diễn hoạt cảnh chiến tranh. Ảnh: Chụp màn hình. |
Trao đổi với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng ai cũng có quyền tự hào về đất nước của mình, tự hào về những chiến công lịch sử vẻ vang của dân tộc. Song giáo dục lịch sử về niềm tự hào dân tộc cần phải phù hợp với từng lứa tuổi, phù hợp với môi trường sư phạm.
“Ở bậc mầm non, giáo dục lịch sử, giáo dục niềm tự hào dân tộc thường gắn liền với tình yêu quê hương đất nước qua câu chuyện kể về những danh nhân, anh hùng dân tộc. Việc tái diễn lại cuộc chiến tranh hào hùng nhưng nhiều mất mát, đau thương, nếu không khéo có thể sẽ gieo vào tâm lý các em nhận thức xem chiến tranh là lựa chọn phổ biến để có hòa bình. Yêu nước cần thiết phải giáo dục cho các em hiểu chiến tranh là cách thức cuối cùng, bất đắc dĩ để có hòa bình, chứ không phải là cách duy nhất. Hãy giáo dục cho các em lòng yêu nước cần xuất phát từ sự tự hào dân tộc, tự hào về văn hóa, tự hào về trí tuệ và bản lĩnh anh hùng người Việt Nam, chứ không phải là chiến tranh", ông Ngô Hương Giang nêu quan điểm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, việc sắp xếp, đạo diễn cho trẻ mầm non diễn hoạt cảnh chiến tranh thực chất là cách người lớn đang tự giáo dục nhận thức của mình về một sự kiện lịch sử.
“Phương pháp này thể hiện sự lười nghĩ, lười đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử của giáo viên. Giáo dục về lịch sử không phải là làm lại, rập khuôn câu chuyện lịch sử đau thương, gieo vào tâm lý trẻ em sự ám ảnh về mất mát, mà cần lên án chiến tranh, cần lên án sự phi nhân tính của bất cứ cuộc chiến nào”, chuyên gia nhấn mạnh.
Chuyên gia cho rằng hãy giáo dục về lòng quả cảm, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, giáo dục bản lĩnh người Việt Nam trong chiến đấu, đó mới là yếu tố nhân văn, nhân bản của một nền giáo dục hiện đại.
Thăm quan Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cũng là một cách để trẻ có thêm trải nghiệm, tìm hiểu về các hoạt động và nhân vật lịch sử trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, hiểu được những gian khổ, hy sinh của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
Nhân câu chuyện này, chuyên gia nêu quan điểm về những phát ngôn thiếu chuẩn mực liên quan liên quan đại lễ 30/4 gây tranh cãi thời gian qua.
Ông Ngô Hương Giang cho rằng đó là những phát ngôn lạc lõng, cho thấy sự vô cảm và vô ơn của họ đối với đất nước, với những người đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc.