Tranh cãi 'lòng se điếu' hay 'lòng xe điếu' mới đúng chính tả?

Vài ngày qua, câu chuyện một đoạn lòng non của con lợn bùng nổ mạng xã hội. Có người gọi đó là 'lòng xe điếu', có người lại gọi là 'lòng se điếu'.
Vậy lòng se điếu hay lòng xe điếu mới đúng?
Trong Từ điển Tiếng Việt (do GS Hoàng Phê chủ biên), xe điếu là một danh từ, được giải thích là một ống dài và nhỏ cắm vào điếu thuốc lào. Trong từ điển không ghi nhận chữ se điếu.
Lòng đặc khít chặt vào, nên gọi là lòng se điếu?
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh nghiêng về phương án "lòng se điếu mới đúng".
Theo anh, se điếu bắt nguồn từ hình dáng của đoạn lòng này. Lòng đặc khít chặt vào, nên gọi là se.
Anh Hải cho biết anh không bao giờ ăn phần lòng này do "nó cực kỳ bẩn". "Tình trạng lòng se điếu xuất hiện khi con lợn bị tiêu hóa kém, đầy giun sán, làm cho lòng nó đặc lại", anh nói.
"Mặc dù tiềm ẩn nguy cơ, nhưng thực tế người ta lại cố gắng tìm mua và ăn vì đoạn lòng này có đặc điểm đặc, dày, giòn, khi ăn ngỡ là ngon", anh Hải chia sẻ thêm.
Ngôn ngữ học: "Lòng xe điếu mới đúng chính tả"
Tuy nhiên, dưới góc độ ngôn ngữ học thì khác. Nói với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Trần Trí Dõi cho rằng "viết lòng xe điếu mới đúng chính tả".
Ông nói để xác định từ nào đúng, từ nào sai, nên căn cứ vào từ điển tiếng Việt (đặc biệt những công trình từ điển được chấp nhận, thống nhất cao của dư luận). Ngoài từ điển, nên ghi nhận đó chỉ là các ý kiến cá nhân.
"Về mặt ẩm thực, có thể người ta cho lòng se điếu mới đúng; song về mặt ngôn ngữ, lòng xe điếu là cụm từ ghép mượn ý, chỉ hình dáng đoạn lòng này giống với cái xe điếu. Trong đó lòng là danh từ, xe điếu chỉ tính chất, là tính từ", ông phát biểu.
Ông Hoàng Tuấn Công, tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, cũng nghiêng về quan điểm này.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Công nói dù cách giải thích tên gọi lòng xe điếu chưa ổn nhưng về chính tả phải viết "xe điếu, không phải se điếu".