Nhảy đến nội dung
 

Tràn lan 'hàng nhà làm' nhiều rủi ro

Từ khô bò, bánh trung thu, giò chả... được rao bán là 'hàng nhà làm' nhan nhản trên chợ mạng nhưng không hạn sử dụng, không nguồn gốc, chất lượng không được kiểm chứng... đang tiềm ẩn những rủi ro về an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.

Ngay cả nhiều trang thương mại điện tử như Shoppe, Lazada... cũng cho đăng bán hàng loạt "hàng nhà làm" như chuối sấy, khô bò, bánh trung thu... không hạn sử dụng, không nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm gần như bị bỏ ngỏ.

Bánh trung thu "sạch" không tem, không kiểm định?

Dù mới rằm tháng 6 âm lịch, nhưng chỉ cần gõ từ khóa "bánh trung thu", người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm bài viết quảng cáo, hàng chục trang Facebook rao bán các sản phẩm thủ công, "hàng nhà làm" với đủ loại mẫu mã, chủng loại.

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, phần lớn bánh trung thu "nhà làm" trên chợ mạng thường được quảng cáo đầy hấp dẫn như "bánh thủ công", "nguyên liệu sạch", "không chất bảo quản", "không phẩm màu, không hóa chất", tốt cho sức khỏe...

Giá các loại bánh này dao động 45.000 - 180.000 đồng/chiếc tùy theo nguyên liệu, kích cỡ và hình thức đóng gói. Nhiều tiệm còn tung ra các "combo" 2 - 8 bánh có giá 100.000 - 400.000 đồng/hộp.

Các sản phẩm "nhà làm" này đa dạng hương vị nhân bánh không thua kém hàng công nghiệp. Bên cạnh các vị truyền thống như thập cẩm, đậu xanh, hạt sen, khoai môn, sữa dừa..., nhiều cơ sở còn sáng tạo thêm các loại nhân như lava trứng muối, tiramisu, sầu riêng, việt quất phô mai hay đậu đỏ mochi trứng...

Một tiệm bánh mang tên N.B. quảng bá dòng sản phẩm "bánh healthy" trên Facebook với lời cam kết chắc nịch: "Bánh được làm mới mỗi ngày".

Nguyên liệu được giới thiệu là gồm: đường tảo Nhật, mật ong hoa cà phê và màu thực phẩm chiết xuất từ rau củ tự nhiên (?). "Bạn có thể tận hưởng hương vị truyền thống mà không còn lo ngại về độ ngọt hay chất phụ gia", trang này khẳng định. Thậm chí nhiều tiệm còn giới thiệu dòng bánh mini nhỏ hơn loại thông thường, giúp người tiêu dùng "nếm được nhiều vị mà không bị ngấy".

Tuy nhiên đằng sau lớp vỏ bắt mắt và lời quảng cáo tràn đầy hấp dẫn lại là hàng loạt dấu hỏi lớn về chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Khảo sát trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy phần lớn các loại bánh trung thu "nhà làm" không có nhãn mác cụ thể, không có tem kiểm định vệ sinh, đặc biệt là không công khai nguồn gốc nguyên liệu hay giấy khám sức khỏe của người trực tiếp làm bánh.

Một số sản phẩm được đóng gói sơ sài bằng giấy nến, buộc dây thừng kiểu "vintage", kèm theo mẩu ghi chú viết tay hoặc lời nhắn dễ thương nhưng không giấy tờ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nào. Không ít người làm bánh thừa nhận chỉ sản xuất theo mùa để kiếm thêm thu nhập, làm theo đơn đặt hàng, không có công thức cố định. Tuy nhiên, không ai đảm bảo những cam kết này là thật hay chỉ nhằm lấy lòng tin của người tiêu dùng.

Sạch hay chỉ là lời hứa miệng?

Thực tế vài năm trở lại đây, bánh trung thu "nhà làm" ngày càng lan rộng. Không ít "tay bánh" tự phát hoạt động theo mô hình hộ gia đình hoặc cá nhân học nghề thủ công, tranh thủ mùa Trung thu để gia tăng thu nhập. Nhiều cơ sở tranh thủ chụp hình, quay video, chạy quảng cáo trên Facebook, TikTok,... từ rất sớm để giữ chân khách quen, thu hút thêm đơn hàng mới.

Các hình ảnh bánh nướng, bánh dẻo với kiểu dáng bắt mắt, loạt vị nhân mới lạ như lava chảy, sầu riêng trứng muối, tiramisu, phô mai... liên tục xuất hiện, đánh trúng tâm lý thích đẹp - độc - lạ của người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Chị Kim Chung (phường Thủ Đức, TP.HCM) lại cho biết vẫn mua các loại bánh "nhà làm" có thể yêu cầu điều chỉnh theo yêu cầu riêng.

"Tuy nhiên vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn phải là yếu tố bắt buộc. Tôi chỉ mua bánh "nhà làm" của người quen thực sự, những trang bán hàng thực sự có uy tín lâu năm chứ không ủng hộ những nơi chỉ biết quảng cáo là "nhà làm" suông", chị Chung nói và cho biết chị chọn mua bánh "nhà làm" của những người quen, có uy tín lâu năm để tránh nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng đang tràn lan như hiện nay.

Trong khi đó dù được quảng cáo là "không chất bảo quản", nhiều loại bánh trung thu "nhà làm" lại được tung ra thị trường từ rất sớm, ngay từ tháng 6 âm lịch. Việc sản phẩm không có chất bảo quản có thể dẫn đến rủi ro mất an toàn thực phẩm. Trong điều kiện bảo quản không chuẩn, các loại nhân bánh ẩm, ngọt rất dễ hư hỏng, nhiễm khuẩn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

"Bánh "nhà làm" thường có giá cao hơn 20 - 30% so với bánh công nghiệp. Người bán luôn quảng cáo là bánh sạch, nhưng sản phẩm không được kiểm định rõ ràng nên không có gì đảm bảo bánh sạch như lời quảng cáo trên mạng. Có nơi nói là tự làm, nhưng hỏi lúc nào cũng có hàng, liệu có phải lấy sỉ về rồi gắn mác "nhà làm" hay không", chị Thu Hương (ngụ TP.HCM) bày tỏ sự nghi ngờ

Theo chị Hương, có thể nhiều người mua nguyên liệu sỉ tại chợ rồi "phù phép" bao bì đóng gói, rồi rao bán là "nhà làm". Cụm từ "nhà làm" đang dần trở thành tấm khiên để sản phẩm né tránh trách nhiệm công bố chất lượng và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Nhà làm" chỉ nên để nhà ăn!

Tại tọa đàm chống hàng giả, hàng gian tổ chức tại TP.HCM mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cảnh báo mùa bánh Trung thu 2025 đang đến gần, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng bánh trung thu "nhà làm" rao bán tràn lan trên mạng.

Theo bà Lan, "hàng nhà làm" chỉ nên để nhà ăn. Nếu muốn bán ra thị trường, bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định công bố, từ hóa đơn chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, giấy khám sức khỏe của người trực tiếp làm bánh, làm sao biết được người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất thực phẩm.

"Chúng tôi kiểm tra phát hiện các điểm bán bánh trung thu không có giấy tờ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Người bán hàng online nếu làm ăn đàng hoàng không ngại gì việc công khai các giấy tờ chứng minh hàng hóa theo quy định", bà Lan khẳng định.

Cũng theo đại diện của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nhiều sản phẩm thực phẩm đang lạm dụng mác "hàng nhà làm", hàng không có bao bì, nhãn mác theo quy định nhưng lại được kinh doanh ngoài thị trường. Do đó, đây sẽ là lĩnh vực được cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra thời gian tới.

Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho rằng người sản xuất "hàng nhà làm" gần như không đăng ký kinh doanh, không chịu sự kiểm tra, giám sát từ cơ quan chức năng, mà chủ yếu phụ thuộc vào niềm tin của người bán và người mua, ý thức người sản xuất. Do đó, chất lượng sản phẩm thường là... hên xui.

Một chuyên gia trong ngành thực phẩm cũng cho rằng "hàng nhà làm" từ bánh kẹo, giò chả, gà ủ muối, thậm chí sản phẩm có cồn... nở rộ trong thời gian qua, kinh doanh rất nhiều nhưng việc kiểm soát gần như bị bỏ ngỏ. Các sản phẩm này thiếu các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc đổi trả hoặc đòi quyền lợi khi có vấn đề xảy ra với người tiêu dùng vì thế càng khó.

"Đây là lỗ hổng không nhỏ trong kiểm soát. Do đó ngoài tăng cường kiểm tra, cơ quan nhà nước nên có thêm các quy định về đăng ký kinh doanh, kiểm soát chất lượng đối với "hàng nhà làm" để sát với thực tế, trường hợp cho phân khúc này thương mại thì cũng yên tâm hơn", vị này nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn