TPHCM ứng phó khẩn cấp sự cố tràn dầu ở Cần Giờ

Sau tai nạn đường thuỷ giữa 2 tàu chở hàng trên sông Lòng Tàu (TPHCM) gây tràn dầu gần 31ha diện tích rừng ở Cần Giờ, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
UBND huyện Cần Giờ vừa báo cáo khẩn gửi UBND TPHCM cùng các đơn vị liên quan về việc xin ý kiến hướng dẫn ứng phó và xử lý vết dầu loang sau sự cố tai nạn hàng hải giữa 2 tàu hàng trên sông Lòng Tàu.
Theo đó, khuya 25/4, tàu chở container quốc tịch Panama va chạm với tàu chở hàng của Hong Kong trên sông Lòng Tàu, đoạn qua xã An Thới Đông. Vụ tai nạn khiến 2 tàu dính chặt nhau, trong đó một chiếc biến dạng phần mũi, phương tiện còn lại bị chìm phần lái sau va chạm.
Bước đầu ghi nhận không có thương vong về người, không có thiệt hại về hàng hóa nhưng xảy ra tình trạng tràn dầu trên diện rộng.
Theo UBND huyện Cần Giờ, đến nay ghi nhận có 36 khu vực xuất hiện vết dầu loang. Dầu đã xâm nhập vào các bè cá, bè nuôi thủy sản của người dân tại một số tuyến sông. Bên cạnh đó, vết dầu còn dính trên lá (cây tái sinh), thân, rễ cây rừng và đất rừng.
Tổng diện tích đất, cây rừng bị ảnh hưởng do dầu tràn gần 31ha, 18 hộ dân nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại gần 3,2 tấn hải sản.
Huyện Cần Giờ thành lập Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó sự cố khẩn cấp với thành viên thuộc Cảng vụ hàng hải TPHCM, Bộ Tư lệnh TP, Công an TPHCM... Tổng số huy động hơn 270 người, 37 phương tiện tham gia ứng cứu.
Để phục vụ công tác xử lý sự cố, UBND huyện Cần Giờ đề xuất thành phố tạm ứng ngân sách cho các hoạt động bao gồm huy động lực lượng, phương tiện, đảm bảo hậu cần cho đến khi giải quyết xong vụ việc.
Toàn bộ kinh phí xử lý sự cố tràn dầu, khắc phục môi trường, bồi thường thiệt hại sau đó sẽ do chủ tàu KMTC Surabaya và chủ tàu Genglyle chi trả để hoàn vào ngân sách thành phố.