TP.HCM triển khai giai đoạn 2 sắp xếp các đơn vị y tế công lập

TP.HCM sắp xếp lại các đơn vị y tế công lập, hợp nhất, đổi tên, tinh gọn tổ chức, tránh chồng chéo, đảm bảo phù hợp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi đến các cơ sở trực thuộc, yêu cầu khẩn trương thực hiện giai đoạn 2 trong kế hoạch tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM giao các trung tâm y tế trên địa bàn chủ động rà soát, phối hợp cơ quan liên quan để đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại trung tâm y tế và hệ thống trạm y tế, bảo đảm phù hợp với quy mô dân số, địa bàn quản lý và định hướng phát triển ngành.
Theo dự thảo trước đó, TP.HCM sẽ có 38 trung tâm y tế khu vực, 168 trạm y tế, 296 điểm y tế.
Riêng lĩnh vực phòng, chống dịch, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ chủ trì phối hợp với CDC tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) để xây dựng đề án hợp nhất, theo hướng tinh gọn tổ chức, thống nhất đầu mối, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Các trung tâm giám định y khoa và pháp y tại 3 địa phương này cũng được giao nhiệm vụ xây dựng đề án hợp nhất tương tự.
Đáng chú ý, TP.HCM cũng tiến hành tái cấu trúc các đơn vị an sinh xã hội. Theo đó, Trung tâm công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM và Trung tâm an sinh xã hội TP.Thủ Đức sẽ phối hợp xây dựng phương án hợp nhất thành một đơn vị thống nhất, với cơ cấu rõ ràng về tên gọi, bộ máy tổ chức, nhân sự, tài chính và quản lý tài sản.
Ở khối bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện đa khoa Sài Gòn phối hợp hoàn chỉnh đề án sáp nhập, bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân trong thời gian chuyển đổi. Đồng thời, Bệnh viện Từ Dũ được giao xây dựng đề án thành lập cơ sở 2 tại Cần Giờ.
Ngoài ra, các bệnh viện có tên gọi gắn với địa danh hành chính cũ, bao gồm các bệnh viện quận, huyện, TP.Thủ Đức và một số bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (trước khi sáp nhập), phải rà soát và đề xuất đổi tên để phù hợp với mô hình tổ chức mới sau sắp xếp hành chính.
Theo dự thảo, các bệnh viện gắn số thứ tự tại TP.HCM cũ sẽ đổi thành tên cụ thể. Có 7 bệnh viện đổi tên: Bệnh viện quận 1 thành Bệnh viện Tân Định; Bệnh viện quận 4 thành Bệnh viện Khánh Hội; Bệnh viện quận 6 thành Bệnh viện Bình Phú; Bệnh viện quận 7 thành Bệnh viện Nguyễn Thị Thập; Bệnh viện quận 8 thành Bệnh viện Chánh Hưng; Bệnh viện quận 11 thành Bệnh viện Lãnh Binh Thăng và Bệnh viện quận 12 thành Bệnh viện Trung Mỹ Tây.
12 bệnh viện quận, huyện khác cũng đổi tên, nhưng chỉ bỏ chữ quận hoặc huyện. Ví dụ như Bệnh viện TP.Thủ Đức thành Bệnh viện Thủ Đức; Bệnh viện quận Tân Bình thành Bệnh viện Tân Bình; Bình viện huyện Củ Chi thành Bệnh viện Củ Chi…
Toàn bộ đề án và phương án sắp xếp phải được gửi về Sở Y tế TP.HCM để tổng hợp, trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.