TP.HCM tăng tốc 'vẽ đường' cho giao thông xanh

Sau "cuộc đổi màu" xe buýt, hành trình chuyển đổi xanh của TP.HCM đang tiếp tục lan dần tới các phương tiện cá nhân và chuẩn bị tiến thêm bước quan trọng hình thành những khu vực không khói bụi.
Bắt đầu từ nhóm phát thải cao nhất…
Đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng những ngày qua nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân TP.HCM.
Từ trước đến nay, mỗi chính sách "đụng" đến xe máy luôn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ đa số người dân - những người hằng ngày di chuyển bằng phương tiện phổ biến này. Hơn thế, shipper, tài xế công nghệ còn là đối tượng yếu thế, với tổng thu nhập bình quân mỗi tháng chỉ 8,7 triệu đồng, thấp hơn mức thu nhập bình quân đầu người tại TP.HCM (10,9 triệu đồng) - theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS).
Kế hoạch triển khai cũng được đánh giá là khá gấp khi nếu được thông qua thì chỉ còn gần 5 tháng nữa, tài xế chạy xe xăng sẽ không được phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Thế nhưng, thay vì lo ngại như trước đây, rất đông người dân TP đã bày tỏ đồng tình với kế hoạch chuyển đổi xanh hiện nay. "Nếu như 5 - 10 năm trước nói đến chuyển toàn bộ xe xăng sang xe điện thì thấy xa vời, còn bây giờ xe điện đã chiếm tỷ lệ khá nhiều trên đường rồi. Thật sự mỗi lần đứng chờ đèn đỏ hay chen nhau giữa dòng kẹt xe, nhìn những chiếc xe máy, ô tô xả khói đen ngòm cùng tiếng động cơ gầm gừ bên cạnh rất khó chịu. Trong khi đó, xe điện chạy êm ru, không xả thải. Có lẽ vì thế nên Xanh SM được mọi người ủng hộ nhiều đến vậy. Thỉnh thoảng tôi đặt xe của Grab hay Be và cũng thấy tài xế chạy xe điện. Hỏi chuyện thì họ bảo công ty khuyến khích chứ không bắt buộc đổi xe nhưng một phần vì chi phí xăng dầu đắt hơn nhiều nên họ tự đổi để tiết kiệm", anh Trần Thanh Tùng, đại diện một nhóm tình nguyện viên trẻ tuổi tại TP.HCM, cho biết.
Đó cũng là một trong những lý do khiến đơn vị nghiên cứu xác định tài xế công nghệ và giao hàng là nhóm nên được triển khai chuyển đổi phương tiện đầu tiên trên hành trình theo đuổi giao thông xanh 100% của TP.HCM.
Theo HIDS, đây là nhóm có mức độ phát thải cao nhất trên mỗi đầu phương tiện. Mỗi tài xế công nghệ tại TP.HCM di chuyển trung bình 80 - 120 km mỗi ngày, gấp 3 - 4 lần so với người dân thông thường. Điều đó đồng nghĩa chuyển đổi một chiếc xe của tài xế công nghệ sang xe điện có tác động giảm phát thải lớn gấp nhiều lần so với xe 2 bánh cá nhân của người dân thông thường. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi xe điện cho nhóm này dễ tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Họ là lực lượng di chuyển nhiều, tiếp xúc trực tiếp với hàng triệu người dân mỗi ngày. Khi tài xế công nghệ sử dụng xe điện với hình ảnh rõ nét, êm ái, sạch sẽ, tiết kiệm sẽ giúp thay đổi nhận thức cộng đồng và thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện trong dân cư.
Đặc biệt, điện rẻ hơn xăng khoảng 80% trên mỗi km vận hành và xe điện có ít chi tiết bảo dưỡng hơn so với xe xăng (không thay nhớt, không cần bảo trì động cơ đốt trong). Nhờ vậy, trung bình mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 - 1,3 triệu đồng mỗi tháng. Quãng đường và số giờ hoạt động càng cao thì số tiền tiết kiệm càng lớn. Đây là điểm cốt lõi giải quyết mối quan tâm lớn nhất của tài xế công nghệ: sự đảm bảo về một khoản thu nhập ổn định và tương đối so với công sức họ phải bỏ ra.
Một điểm thuận lợi nữa là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải sẵn sàng chuyển đổi và thực tế đã triển khai thí điểm sử dụng xe điện 2 bánh cho đội ngũ tài xế, sẵn sàng mở rộng nếu có chính sách phù hợp từ Nhà nước. Các doanh nghiệp sản xuất cũng đã phát triển những dòng xe điện tối ưu cho nhu cầu vận chuyển trong đô thị.
… Lan dần tới mọi đối tượng
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết song song với kế hoạch chuyển đổi phương tiện cho tài xế xe công nghệ, Sở đang khẩn trương hoàn thành "Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM" theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là thực hiện chuyển đổi và xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đã hoàn thành. Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động sau khi TP.HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu để triển khai đồng bộ trên địa bàn TP mới. Dự kiến, Nghị quyết sẽ được hoàn chỉnh, báo cáo UBND TP và trình HĐND TP trong quý 4 năm nay.
Giai đoạn 2 đặt ra yêu cầu hoàn thành Đề án kiểm soát khí thải cho các phương tiện giao thông, xem xét phương án lựa chọn một số khu vực để thực hiện kiểm soát phân vùng khí thải phương tiện giao thông. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang triển khai xây dựng đề án với phạm vi là TP.HCM mới, dự kiến hoàn thành, lấy ý kiến các đơn vị trong quý 3 và báo cáo UBND trình HĐND trong quý 4. Trong đó, đề án sẽ tập trung xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh. Lộ trình thực hiện sẽ bao gồm: xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, phương tiện cá nhân, ô tô và phương tiện thuộc quản lý bởi các đơn vị hành chính công, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.
Sở Xây dựng sẽ tính toán, đề xuất lộ trình, điều kiện, chính sách để thực hiện các nội dung nói trên. Đi cùng với đó là chính sách thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng điện, năng lượng xanh, xử lý phương tiện cũ để giảm ô nhiễm môi trường. Sở sẽ đo đạc, tính toán để đề xuất lộ trình, các giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các biện pháp phân vùng, ưu tiên cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch khu vực trung tâm TP.HCM, Cần Giờ, Côn Đảo...
"TP.HCM là một trong những TP hàng đầu thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình năm của TP tăng 1,4%; tỷ lệ diện tích ngập thường xuyên năm 2009 là 54%, dự báo tới năm 2050 sẽ tăng lên 61%. Trong đó, các hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính, đóng góp tới 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Mặt khác, phát triển phương tiện giao thông điện là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể cưỡng lại được xu thế này. Dự kiến đến năm 2030, chỉ còn 41% số lượng phương tiện bán ra trên thế giới là phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, còn lại là phương tiện sử dụng điện hoặc các dạng nhiên liệu lai giữa điện và động cơ đốt trong. Phương tiện giao thông điện đã xâm nhập thị trường TP.HCM như một xu thế tất yếu. Giờ là lúc vẽ con đường để các loại phương tiện này trở thành phổ biến ở TP.HCM", đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.