TP.HCM sẽ có ngân hàng máu mới tầm cỡ khu vực, với 1 triệu đơn vị máu/năm

Sắp tới TP.HCM sẽ khởi công một ngân hàng máu mới với công suất gấp bốn lần ngân hàng máu hiện tại của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP, tiến tới đạt tối đa 1 triệu đơn vị máu/năm.
Sáng 11-7, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập bệnh viện (1975 - 2025), 35 năm thành lập khối khám chữa bệnh, 30 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam.
BS.CKII Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, cho biết sau 50 năm hình thành và phát triển, bệnh viện đã có những phát triển vượt bậc và trở thành một trong hai bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước về huyết học, truyền máu.
Hiện mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 140.000 lượt điều trị ngoại trú, 10.000 ca đều trị nội trú.
Bệnh viện tiếp nhận điều trị tất cả bệnh nhân từ trẻ em đến người lớn mắc bệnh lý di truyền huyết học lành tính (suy tủy xương, thiếu máu tan huyết, hội chứng Thalassemia, hội chứng đông máu...), hay ác tính (ung thư máu, bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu cấp dòng lympho...).
Bên cạnh khám chữa bệnh, bệnh viện còn có ngân hàng máu đứng đầu cả nước. Năm 2024, bệnh viện đã sản xuất và cung cấp hơn 650.000 chế phẩm máu các loại (bao gồm bạch cầu lắng, tiểu cầu, huyết tương đông lạnh, huyết tương lạnh, sản phẩm bạch cầu hạt...).
Các chế phẩm máu này được cung cấp cho gần như tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây và Nam Bộ.
Dự kiến từ tháng 1-2026, sẽ mở rộng cung cấp cho các bệnh viện ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ).
Sắp tới TP.HCM sẽ khởi công một ngân hàng máu mới, với công suất gấp bốn lần ngân hàng máu hiện tại của bệnh viện. Hiện ngân hàng máu của bệnh viện đạt công suất 250.000 đơn vị máu/năm.
Theo UBND TP, ngân hàng máu mới này sẽ được đầu tư xây dựng với diện tích là 3.500m2; tổng mức đầu tư là 699,482 tỉ đồng, đặt tại cụm y tế Tân Kiên.
Về ghép tế bào gốc, bác sĩ Dũng cho hay bệnh viện là đơn vị tiên phong với hơn 700 ca đã được thực hiện kể từ ca đầu tiên vào năm 1995, đứng đầu cả nước về số ca ghép.
Bệnh viện cũng hỗ trợ một số bệnh viện ở TP.HCM thực hiện ghép tế bào gốc như Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Nhờ cơ chế đặc thù của TP.HCM, bác sĩ Dũng cho biết bệnh viện có thể tiếp cận nhanh chóng các phương pháp điều trị mới nhất, kỹ thuật mới nhất và thuốc mới nhất mà không cần qua quy trình phê duyệt phức tạp của Cục Quản lý dược, giúp bệnh nhân Việt Nam không cần ra nước ngoài để điều trị.
Trong thời gian tới, bệnh viện ứng dụng công nghệ trong điều trị, bao gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ thuật số, và đặc biệt là phát triển các phương pháp điều trị tế bào và điều trị gene.