TP.HCM nghĩa tình: Nơi con người luôn sống vì nhau

Xuất hiện rồi phổ biến từ những năm 1990 với các phong trào lớn như Vì người nghèo (TP.HCM khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo năm 1992), Tấm lòng vàng, Nghĩa tình Trường Sơn, Nghĩa tình biên giới, hải đảo..., cụm từ "nghĩa tình" dần trở nên quen thuộc trong tâm thức cộng đồng.
Tinh thần đó lan rộng từ cấp thành phố đến từng phường xã, khu dân cư. Và ở TP.HCM, trong mọi hoàn cảnh, hằng ngày đều có những con người biết sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn hơn mình.
Để hiểu thêm về công tác vận động, chăm lo cho người yếu thế của chính quyền thành phố, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung , Thành ủy viên, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM.
Theo ông, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy thế nào trong công tác chăm lo an sinh xã hội thời gian qua?
Nghĩa tình được xem là một phần không thể tách rời trong bản sắc TP.HCM. Nó được hun đúc qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Từ thế kỷ 17, người dân từ khắp nơi đến đây khai phá, lập nghiệp, cùng nhau vượt qua gian khó, tạo nên tinh thần "tương thân tương ái", "tình làng nghĩa xóm". Đây chính là những giá trị nền tảng cho nghĩa tình hôm nay.
Truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cũng góp phần làm sâu sắc thêm nét nghĩa tình ấy. Trong kháng chiến, TP.HCM là trung tâm của cách mạng miền Nam, nơi người dân hết lòng che chở, nuôi giấu cán bộ, chia sẻ từng bát cơm, ngụm nước giữa thời loạn lạc. Chưa kể, tính cách phóng khoáng, hào sảng của người Nam bộ càng khiến tinh thần sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trở nên tự nhiên, chân thành trong cả đời sống thường nhật lẫn hoạt động xã hội.
Ngày nay, truyền thống ấy tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn như đại dịch Covid-19. ATM gạo, siêu thị 0 đồng, bếp ăn tình thương, chuyến xe nghĩa tình, bình trà đá miễn phí… đều là những biểu tượng cho thấy lòng nhân ái và sự gắn kết cộng đồng, nơi con người luôn sống vì nhau.
Hệ thống chính trị thành phố đóng vai trò duy trì và lan tỏa truyền thống nghĩa tình thông qua các hoạt động an sinh, kêu gọi cộng đồng chung tay chăm lo người yếu thế, khuyến khích tinh thần thiện nguyện.
Trong những năm qua, cùng thành phố thực hiện các kế hoạch chăm lo an sinh xã hội, hệ thống MTTQ đã không ngừng phát huy vai trò nòng cốt, thể hiện rõ nét nhất qua các công tác vận động và quản lý Quỹ Vì người nghèo, Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc và Quỹ Cứu trợ.
Trong đó, các chương trình Vì người nghèo có tính tiêu biểu, bền vững và có sức lan tỏa sâu rộng nhất. Tính từ lúc mới được thành lập (năm 2001), đến hết năm 2024, Quỹ Vì người nghèo TP.HCM đã vận động chăm lo hơn 3.391 tỉ đồng; trong đó, xây mới, sửa chữa 51.532 căn nhà; tặng 567.778 suất học bổng; hỗ trợ 4.110 phương tiện sinh kế; tặng 361.551 thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Đây là chương trình xuyên suốt được MTTQ các cấp triển khai rộng khắp. Thông qua chương trình, hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, phương tiện sinh kế, suất học bổng… đã đến với người dân, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc kể từ khi được thành lập năm 2009 đến nay đã vận động hơn 552 tỉ đồng, chăm lo được cho các cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu đang làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM còn quản lý Quỹ Cứu trợ, qua đó hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn nghiêm trọng hoặc các tình huống khẩn cấp khác. Việc TP.HCM phân phối hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng từ cơn bão Yagi năm 2024 là ví dụ.
Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã có những cách làm gì để khơi dậy và tập hợp sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo… để hỗ trợ người yếu thế?
Hệ thống MTTQ TP.HCM đã triển khai nhiều cách làm linh hoạt, hiệu quả và gần gũi với đời sống cộng đồng.
Trước hết, hệ thống MTTQ TP.HCM đã phát động các phong trào và cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng như tháng cao điểm chăm lo cho người nghèo, toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Từ đó có những phong trào nhỏ hơn, có những ngành động cụ thể, linh hoạt, phù hợp tình hình.
Ví dụ ở cấp thành phố, điển hình là tổ chức chương trình văn nghệ Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương, nhờ đó huy động được sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc xây dựng nhà đại đoàn kết, trao sinh kế, học bổng và chăm lo đời sống cho các hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, MTTQ cũng chủ động phối hợp các tổ chức tôn giáo, phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc trong vận động, chăm lo người nghèo, người yếu thế. Đồng thời, tăng cường kết nối với kiều bào ở nước ngoài để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, để công tác chăm lo không chỉ kịp thời mà còn bền vững, yếu tố minh bạch trong huy động và phân phối nguồn lực là then chốt.
MTTQ TP.HCM luôn chú trọng công khai, rõ ràng trong mọi hoạt động, từ kêu gọi đóng góp đến tổ chức trao hỗ trợ. Nhờ đó, ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng chung tay, góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái, nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong các hoạt động vì người yếu thế.
Thời gian tới, MTTQ TP.HCM sẽ ưu tiên những định hướng gì để tiếp tục huy động sức dân trong chăm lo cho người dân?
Thông điệp "Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã trở thành hành động cụ thể, xuyên suốt trong các hoạt động an sinh xã hội của thành phố. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, chăm lo người yếu thế. Đó là tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật... thông qua các chương trình vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Cùng với đó, lan tỏa tinh thần đoàn kết bằng việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, hoạt động từ thiện, mô hình cộng đồng tiêu biểu như khu phố nghĩa tình, giúp nhau vượt khó... để nuôi dưỡng và lan tỏa tinh thần sẻ chia.
Thứ hai, phát huy vai trò kết nối, vận động các quỹ xã hội như Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc, Quỹ Cứu trợ… thu hút sự đóng góp rộng khắp từ các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Với vai trò này, hệ thống MTTQ sẽ tăng cường giám sát, phản biện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm phân bổ đúng đối tượng, kịp thời, công bằng và minh bạch.
Thứ ba, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM các cấp sẽ đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và hỗ trợ, tăng hiệu quả kết nối và phản hồi với người dân.
Xin cảm ơn ông!