Nhảy đến nội dung
 

TP.HCM nghĩa tình: Họa sĩ của người câm điếc

Trong một chiều tản bộ, họa sĩ Võ Văn Y gặp vài em câm điếc đang "múa" ký hiệu ở công viên. Ông viết lên giấy: "Các em có muốn học vẽ tranh miễn phí không?". Rồi từ đó, lớp hội họa dành cho người câm điếc ra đời.

Chúng tôi có duyên gặp người họa sĩ tài hoa và giàu lòng nhân ái này nhiều lần. Hỏi vì sao ông mở lớp dạy vẽ miễn phí cho người câm điếc, nhiều nhất là các em từ độ tuổi 15 trở lên, ông cho biết: "Các cháu không nghe được, không nói được, nhưng các cháu có thể vẽ được. Đó là một cách để chia sẻ những thiệt thòi với các cháu".

Bán tranh của mình để duy trì lớp học

Lớp hội họa dành cho người câm điếc nằm lặng lẽ trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM. "Tôi đặt tên cho lớp học này là Âm thanh hội họa. Vì đây là lớp học dành cho những người chưa từng cảm nhận được sự kỳ diệu và đẹp đẽ của âm thanh. Đến nay lớp đã sắp bước sang năm thứ 8 rồi", họa sĩ Văn Y chia sẻ.

Lớp dao động từ 15 - 20 thành viên. Để duy trì lớp học này cho đến bây giờ là nỗ lực rất lớn của họa sĩ Văn Y. Ông ước muốn giúp các em tiếp cận nghệ thuật, có thể dùng chính năng lực bản thân để vẽ nên thanh âm cao vút của riêng mình. Thế nhưng ước muốn là một chuyện, quá trình thực hiện chẳng dễ dàng chút nào.

Khi trái tim của người họa sĩ động lòng trắc ẩn với những người câm điếc, thì cũng là lúc ông bắt đầu lo lắng về vấn đề tài chính. Hầu hết các em câm điếc có hoàn cảnh khó khăn nên lớp học hoàn toàn không thu tiền. Không những thế, các em còn được ăn trưa miễn phí.

Họa sĩ Văn Y và chị Thúy Vân (người quản lý lớp học) phải bỏ tiền túi góp từng mét vải bố, màu, cọ... để các em luyện tập và vẽ tranh. "Dù bán tranh của mình để lớp học không đóng cửa cũng phải làm. Tôi hạ quyết tâm như vậy. Có những bức tranh tôi chưa bao giờ có ý định bán cũng phải bán để duy trì lớp học", họa sĩ Văn Y trải lòng.

Quyết tâm của người họa sĩ đã truyền cảm hứng cho những thành viên của câu lạc bộ Mekong Art. Trong thời gian đầu, họ góp một phần kinh phí cho lớp học. Tuy nhiên, sau này thì một mình họa sĩ Văn Y lo hết tất cả chi phí. Bên cạnh đó, gia đình cố nhà báo - nhạc sĩ Phan Bá Chức cũng hằng tháng tặng kinh phí lo bữa cơm cho các học viên.

Thầy và trò vượt khó, giúp đời

Dạy hội họa cho người câm điếc không hề đơn giản. Họ không thể nghe và nói, còn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với người bình thường, cách dùng ngôn ngữ không tương đồng và có nhiều chênh lệch trong cảm nhận, hiểu biết về cuộc sống. "Khó khăn nữa là cách tiếp cận nghệ thuật. Không thể dùng lối đào tạo theo khuôn mẫu mỹ thuật thông thường", họa sĩ Văn Y cho biết.

Nếu có dịp đến với lớp học đặc biệt ấy, mọi người sẽ thấy thầy trò, bạn học giao tiếp với nhau bằng nét cọ, hiểu ngôn ngữ của nhau bằng màu sắc, hy vọng vào tương lai bằng ánh mắt biết cười. "Ông trời không lấy đi của ai tất cả", như họa sĩ Văn Y nói. Các em tiếp cận nghệ thuật và vẽ tranh một cách vô cùng nhạy bén, vô cùng tự nhiên. Từng bức tranh trong trẻo, đặc biệt lần lượt ra đời với nhiều đề tài phong phú, góc nhìn và cảm nhận hội họa càng lúc càng trở nên sắc sảo. Từng bức tranh đều chất chứa ánh sáng và một loại âm thanh sống động diệu kỳ. "Mọi thứ không chỉ ở vô cực, đen tối, mọi thứ là tất cả, khổng lồ", họa sĩ Văn Y ví von một cách trừu tượng như vậy.

Nhiều vị khách đến đây, trong đó có cả khách nước ngoài, rất ngưỡng mộ tấm lòng của họa sĩ Văn Y cũng như ngỡ ngàng bởi từng tác phẩm đều toát lên cả một thế giới nội tâm phong phú của những họa sĩ câm điếc. Rồi từng cuộc triển lãm tranh mở ra, tranh của các thành viên được nhiều người biết đến hơn, bắt đầu bán được. Điều đó khiến tinh thần của tất cả thành viên phấn chấn vô cùng và họ càng quyết tâm, cố gắng hơn nữa.

Với mỗi bức tranh được bán ra, 50% số tiền các em giữ lại cho mình, 25% dùng cho việc duy trì lớp học, 25% đem giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn. "Những chuyến đi thực tế, được sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh khác giúp các thành viên, đặc biệt là các em câm điếc xóa dần sự mặc cảm và thêm tin yêu vào cuộc đời này", vị họa sĩ đáng kính nói.

Câu chuyện duy trì lớp học sau đại dịch Covid-19 mới là thử thách lớn hơn của họa sĩ Văn Y. Chị Thúy Vân tâm sự đầy cảm xúc: "Khi hành trình của thầy trò bắt đầu có đốm sáng, thì dịch Covid-19 kéo đến, khiến cả thế giới chìm trong đau khổ". Cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng chịu nhiều mất mát, cuộc sống khó khăn và lớp Âm thanh hội họa cũng không phải ngoại lệ.

Dù vậy, họa sĩ Văn Y cùng những thầy cô phụ trách vẫn kiên trì và không ngừng hy vọng. Lớp học vẫn diễn ra trong điều kiện có thể. Thầy cô còn chia sẻ cho các em câm điếc biết về câu chuyện của hơn 2.000 trẻ em bỗng trở thành trẻ mồ côi vì dịch bệnh. Có em mất cha, có em mất mẹ, có những em mất đi cả hai đấng sinh thành. Một nỗi đau không thể gọi thành tên!

Ngay sau đại dịch Covid-19, chúng tôi có dịp đến thăm lớp học Âm thanh hội họa. Cô Thúy Vân đã thông qua một "phiên dịch" đặc biệt để truyền thông điệp yêu thương đến các thành viên lớp học như sau: "Có điều gì mất mát hơn mất đi mẹ. Có điều gì đau đáu hơn nỗi ngóng trông cha. Từ đây không còn nữa, tiếng ru hời, vòng tay êm. Rồi đây giữa dòng đời, ai sẽ cùng con bước tiếp, ngưỡng cuộc đời thênh thang…".

Đồng cảm với nỗi đau ấy, ngày 19.11.2021 thầy trò lớp Âm thanh hội họa ký kết thỏa thuận đồng hành với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên. Theo đó, 50% số tiền bán tranh của họa sĩ Văn Y cùng các họa sĩ câm điếc sẽ được dùng bảo trợ cho các trẻ mồ côi do đại dịch Covid -19 tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khác.

TP.HCM nghĩa tình. Không chỉ họa sĩ Văn Y mà cả những học trò khuyết tật của ông cũng đã làm những điều nghĩa tình đẹp như những bức tranh lung linh màu sắc.