TP.HCM lần đầu phát hiện biến chủng Covid-19 NB.1.8.1

![]() |
Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19.Ảnh: Nhật Sinh. |
Trước tình hình gia tăng số ca mắc Covid-19 trên Thế giới cũng như tại Thành phố, nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải mã trình tự gene của một số bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng Covid-19 nhập viện trong tuần thứ 3 của tháng 5 và ghi nhận biến chủng NB.1.8.1 được phát hiện ở 83% mẫu giải trình tự.
NB.1.8.1 là biến chủng phụ của biến chủng XDV.1 có nguồn gốc từ biến chủng XDV được hình thành từ sự tái tổ hợp gene giữa biến chủng JN.1 và biến chủng XDE.
Theo thông tin từ cơ sở dữ liệu gene, bộ gene đầu tiên của NB.1.8.1 được công bố lần đầu vào đầu năm 2025. Tính đến ngày 22/5, NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới bao gồm Australia, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Ireland, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Anh và Mỹ.
Theo nguồn tin ở Đài Loan, NB.1.8.1 đang là biến chủng chiếm ưu thế gây bệnh, phần lớn số ca bệnh nặng là những trường hợp chưa tiêm đủ vaccine Covid-19 theo khuyến cáo của nước sở tại, ở nguời lớn tuổi, hoặc có bệnh nền.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng vừa công bố biến thể NB.1.8.1 đã được phát hiện ở nhiều du khách quốc tế đến các sân bay lớn của Mỹ trong những tuần gần đây. Biến thể này được cho là đang thúc đẩy sự gia tăng các ca bệnh trên khắp Trung Quốc và một số khu vực ở Châu Á, theo CBS News.
Tại TP.HCM, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có dấu hiệu gia tăng số ca Covid-19 trên địa bàn Thành phố từ tuần thứ 16 đến tuần 20 (từ 14/4 đến 18/5), trung bình mỗi tuần có 11 ca Covid-19 được báo cáo, tăng mạnh so với 15 tuần đầu năm - mỗi tuần chỉ có 1 đến 2 ca bệnh.
Riêng tuần 20 (từ 12/5 đến 18/5), toàn Thành phố ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với trung bình 4 tuần trước đó (10 ca/ tuần). Tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay, TP.HCM đã có 79 ca bệnh Covid-19 (thấp hơn 75,5% so với cùng kỳ của năm 2024), trong đó có 43 ca điều trị nội trú và 36 ca điều trị ngoại trú, không có trường hợp bệnh nặng cần phải hỗ trợ hô hấp.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh Covid-19 tại Thành phố trong những tuần gần đây, tương tự ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.
Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mức độ lây lan hoăc gây bệnh nặng của biến chủng NB.1.8.1.
Ngày 21/5, Sở Y tế TP.HCM ban hành Công văn số 5423/SYT-NVY về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, Sở yêu cầu toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị duy trì trạng thái sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, đảm bảo khả năng thu dung, cấp cứu, chăm sóc và điều trị hiệu quả cho người mắc Covid-19.
Các đơn vị y tế cần phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong. Đồng thời, nhấn mạnh việc thực hiện chiến lược bảo vệ nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để theo dõi sát tình hình dịch, đặc biệt là diễn biến ca bệnh và sự xuất hiện các biến chủng mới. Việc đánh giá nguy cơ cần được thực hiện thường xuyên để kịp thời tham mưu và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sở Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng quá mức nhưng cũng không được chủ quan trước những biến động khó lường của dịch trên thế giới. Việc chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Theo khuyến cáo hiện hành, người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống Covid-19 như sau:
Ngoài ra, những người đến hoặc trở về từ các quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.