TP.HCM đưa phương án sáp nhập còn 78 phường và 24 xã

Tối 15-4, Thành ủy TP.HCM có thông cáo báo chí liên quan phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở thành phố.
Theo đó, Hội nghị Thành ủy lần 39, khóa XI TP.HCM họp và thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở TP.HCM từ 273 còn 102 đơn vị.
102 đơn vị bao gồm 78 phường và 24 xã. Như vậy đơn vị hành chính cấp xã ở TP.HCM giảm đi 171 đơn vị (tỉ lệ giảm 62,64%).
Điều chỉnh ranh địa giới một số nơi có ranh chồng lấn
Khi thực hiện phương án sắp xếp 102 đơn vị hành chính cấp xã mới, dự kiến sẽ kết hợp điều chỉnh ranh địa giới tại đơn vị đang có ranh chồng lấn, cụ thể:
Thành phố Thủ Đức và tỉnh Bình Dương (khu vực Trường Đại học Quốc gia TP.HCM);
Quận 6 đề xuất mở ranh một phần Phường 16, Quận 8.
3 đơn vị hành chính phường tại Quận 8 đề xuất điều chỉnh, mở ranh với 3 xã Bình Hưng, Phong Phú và An Phú Tây của huyện Bình Chánh.
Quận Gò Vấp có ấp Voi chồng lấn ranh với Quận 12.
Quận Tân Phú điều chỉnh ranh công viên (chuyển phần ranh nhỏ công viên qua quận Bình Tân).
Huyện Hóc Môn xem xét điều chỉnh ranh phần chồng lấn với huyện Củ Chi.
Về tên gọi theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền địa phương cấp tỉnh là TP.HCM. Gồm có HĐND và UBND. HĐND TP.HCM tổ chức 4 ban chuyên môn giúp việc. UBND TP tổ chức 15 sở và tương đương.
Chính quyền địa phương cấp xã có HĐND và UBND phường/xã/đặc khu.
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương cấp xã, HĐND làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. UBND hoạt động theo chế độ tập thế kết hợp với đề cao trách nhiệm của chủ tịch UBND.
UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Sau sắp xếp, số lượng biên chế dự kiến cần bố trí là 6.120 người, tổng số người dôi dư do sắp xếp là 11.015 người (gồm 5.453 biên chế dôi dư và 5.562 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư).
Đảm bảo diện tích phường xã không quá lớn, không xa dân
Theo đề án, lý do lựa chọn phương án nhằm đảm bảo đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không phải là cấp huyện thu nhỏ, có quy mô dân số và diện tích tự nhiên quá lớn để xa dân. Phải đảm bảo chính quyền địa phương cấp xã quán xuyến được địa bàn, nắm bắt tình hình, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt nhất.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp theo định hướng phát triển trong giai đoạn 2025 - 2030 và trên cơ sở áp dụng nhiều tiêu chí trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn hành chính cấp xã. Đơn vị hành chính cấp xã mới triển khai tiếp tục các dự án, công trình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh ngay khi thực hiện sắp xếp, thành lập đơn vị.
Ổn định ranh địa giới hành chính, giảm thiểu tác động việc xác định các bản đồ hiện trạng, bản đồ đất đai, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước về quản lý xây dựng, đất đai trong quá trình chuyển tiếp, thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đơn vị hành chính cấp xã mới. Đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực trong chuyển đổi giấy tờ nhà đất đối với người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động quản lý xây dựng, đất đai.
Trong giai đoạn 5 năm thực hiện sắp xếp, phân bổ đội ngũ cán bộ, công chức đảm nhận các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước tại đơn vị hành chính cấp xã mới. Do đó, đội ngũ nhân lực đảm bảo đủ để phục vụ dân cư và doanh nghiệp; tránh tình trạng quá tải dịch vụ hành chính công tại các đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật.