TP.HCM đang mây đen cuồn cuộn, mưa xối xả: Vì sao những đám mây lại có màu đen?

Sáng nay 10.5, TP.HCM tiếp tục xuất hiện mây đen vần vũ, mưa lớn xối xả khi đã chính thức bước vào mùa mưa. Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao những đám mây gây mưa lại có màu tối?
Theo ghi nhận sáng nay 10.5, bầu trời đen kịt, mây đen cuồn cuộn xuất hiện ở TP.HCM. Khoảng 6 giờ 40 phút, mưa trút xuống nhiều khu vực trung tâm lẫn ngoại thành TP.HCM.
Trong khi những đám mây ngũ sắc xuất hiện mới đây khiến nhiều người thích thú vì rực rỡ sắc màu, những đám mây bình thường lại có màu trắng, lúc hoàng hôn có màu đỏ, cam thì mây gây mưa lại có màu xám đậm hơn.
Trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu về quá trình hình thành mây. Không khí xung quanh chúng ta chứa đầy nước ở dạng khí, được gọi là hơi nước. Khi không khí gần mặt đất ấm lên, nó bắt đầu bốc lên, mang theo hơi nước.
Không khí bắt đầu lạnh đi khi nó bốc lên cao hơn trên bầu trời, khiến hơi nước ngưng tụ. Các giọt nước và tinh thể băng kết hợp lại với nhau để tạo thành mây.
Không giống như các hạt khí quyển phân tán nhiều ánh sáng xanh hơn các màu khác (khiến bầu trời có màu xanh), các hạt mây nhỏ phân tán đều tất cả các màu ánh sáng, cùng nhau tạo nên ánh sáng trắng, theo Space.com.
Nguyên nhân mây gây mưa có màu tối là gì?
Mây gây mưa có màu xám thay vì màu trắng vì độ dày hoặc chiều cao của chúng. Cụ thể hơn, một đám mây sẽ trở nên dày hơn và đặc hơn khi nó thu thập nhiều giọt nước và tinh thể băng hơn, đám mây càng dày thì càng nhiều ánh sáng bị phân tán, dẫn đến ít ánh sáng xuyên qua hơn.
"Các hạt ở mặt dưới của đám mây mưa không có nhiều ánh sáng để tán xạ đến mắt bạn, do đó phần đáy có màu xám khi bạn nhìn từ mặt đất bên dưới", chuyên gia nói thêm.
Hiệu ứng này trở nên rõ rệt hơn khi các giọt nước trở nên lớn hơn, chẳng hạn như ngay trước khi chúng đủ lớn để rơi từ trên trời xuống dưới dạng mưa hoặc tuyết, vì chúng hấp thụ ánh sáng hiệu quả hơn thay vì phân tán nó.
Theo các nhà nghiên cứu, việc chúng ta nhìn thấy màu sắc của những đám mây liên quan tới hiện tượng tán xạ, khúc xạ ánh sáng. “Tán xạ, khúc xạ ánh sáng vào những thời điểm, thời tiết đặc biệt, mỗi khi mặt trời mọc hoặc lặn sẽ dễ xảy ra hiện tượng ráng chiều dẫn đến bầu trời rực đỏ hoặc cam. Bởi trên bầu khí quyển có nhiều những lớp tinh thể băng mỏng hoặc lớp bụi, hơi nước sẽ phản xạ hoặc tán xạ ánh sáng”, chuyên gia cho biết.
Đó là lý do những bước sáng có bước sóng ngắn như màu tím hoặc xanh da trời sẽ tán xạ hết, chỉ còn cam, đỏ (bước sóng dài) ít bị tán xạ và truyền đến mắt người. Lúc này nhiều người có thể nhìn thấy những đám mây hoặc cả vùng trời có màu đỏ hoặc cam.