TP.HCM cấp tập chuẩn bị quỹ đất tái định cư

Một khối lượng lớn dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm đồng loạt triển khai đang đặt ra yêu cầu cấp thiết tìm quỹ đất tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân TP.HCM trong diện phải giải phóng mặt bằng.
Cần quỹ đất lớn tái định cư
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản chỉ đạo nhiều sở, ngành và địa phương liên quan phối hợp triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó có 4 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22 và đường trục Bắc - Nam theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Qua rà soát sơ bộ của Sở TN-MT TP.HCM, 4 dự án này dự kiến thu hồi đất của khoảng 4.730 hộ dân, trong đó 2.452 hộ bị giải tỏa trắng.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 23.4, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết TP.HCM đang bước vào giai đoạn cao điểm triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược. Bên cạnh 4 dự án BOT kể trên, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hiện đã có cơ sở pháp lý triển khai, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với 51 km đi qua địa phận H.Củ Chi. Thống kê cho thấy tuyến đường đi qua 11 xã của Củ Chi, với hơn 800 trường hợp bị ảnh hưởng. Huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất đối với những trường hợp này, tiến hành đo đạc, kiểm kê... Đối với khu tái định cư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, UBND TP.HCM thống nhất giao UBND H.Củ Chi bố trí khu vực tái định cư. Hiện Sở Tài chính đang xem xét trình UBND TP dự án tái định cư phục vụ dự án. Ngoài ra còn có dự án Vành đai 4 TP.HCM với tổng chiều dài khoảng 159,31 km, đi qua địa phận TP.HCM là 17,3 km. Trên địa bàn H.Củ Chi, số trường hợp bị ảnh hưởng là 1.522 trường hợp (trong đó có 472 trường hợp tái định cư), trên địa bàn H.Nhà Bè có khoảng 20 trường hợp bị ảnh hưởng.
Theo ông Võ Trung Trực, rà soát quỹ đất bồi thường tái định cư là một trong những công việc cấp thiết, cần chuẩn bị ngay để phục vụ triển khai các dự án. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương chưa có đủ quỹ nền, căn hộ bố trí tái định cư của dự án. Do đó, Sở TN-MT kiến nghị Sở Tài chính phối hợp Sở GTCC, UBND các địa phương chuẩn bị đủ vốn để thực hiện công tác chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án. Đồng thời rà soát quỹ nền, căn hộ bố trí tái định cư trên địa bàn, có văn bản báo cáo cụ thể, đề xuất UBND TP.HCM về việc sử dụng quỹ nền, quỹ căn hộ phục vụ tái định cư các dự án.
"Trường hợp không đủ quỹ nền đất, quỹ căn hộ bố trí, đề nghị các địa phương có văn bản đề xuất các cơ quan chuyên ngành phối hợp thực hiện nhiệm vụ xin chủ trương tổ chức lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng; hoặc rà soát, đề xuất phân bổ quỹ căn hộ bố trí tái định cư. Các quận huyện, TP.Thủ Đức cần sớm có kế hoạch sử dụng đất các dự án này trong năm 2025. Đối với vấn đề tái định cư cũng cần chú trọng, triển khai sớm. Các đơn vị cần đưa ra mốc khởi công từng dự án, kế hoạch triển khai bồi thường để đảm bảo tiến độ và kế hoạch khánh thành các dự án này. Tất cả phải rõ ràng, cụ thể từng đầu việc. Cần xác định đây là các dự án trọng điểm, cấp bách để đảm bảo tiến độ", ông Võ Trung Trực nhấn mạnh.
Chính sách hợp lý, người dân tự nguyện bàn giao đất trước hạn
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư trước giờ luôn được nhận định là nút thắt lớn nhất cản trở tiến độ các dự án giao thông của TP.HCM. Ước tính có tới hơn 80% các dự án, công trình ì ạch, chậm trễ do vướng mặt bằng. Nhiều dự án phải chờ đến gần 20 năm vẫn chỉ nằm trên giấy do người dân không đồng thuận giao đất. Do đó, ngành giao thông xác định công tác tái định cư, bồi thường GPMB là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định tiến độ và hiệu quả các dự án, đặc biệt là các công trình giao thông tại TP.HCM.
Thực tế, thời gian qua, các cơ chế mới, cách làm mới, sáng tạo, hợp lý hợp tình đã giúp ngành giao thông TP.HCM bước đầu "hái trái ngọt" khi công tác đền bù GPMB tại các dự án ngày càng chạy nhanh. Đơn cử, để mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, có tổng cộng 380 hộ dân, tổ chức thuộc 2 phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A của Q.Bình Tân phải giải tỏa. Có những hộ bị giải tỏa trắng, có những người phải dọn khỏi căn nhà đã trải qua 4 đời gắn bó… nhưng đa phần các hộ dân đều sẵn sàng, chủ động sắp xếp bàn giao mặt bằng trước thời hạn… Tương tự, khi công trình mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) vào giai đoạn chạy nước rút, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng cũng đã chủ động tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng đường kết nối vào nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất.
Thời gian qua, từ phía tây tại khu vực mở rộng QL50 cho tới gần trung tâm TP trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 (đoạn xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương)…, hàng ngàn hộ dân cũng gấp rút bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sớm hoàn thiện thi công các dự án. Không còn những hộ chây ì hay những vụ kiện tụng kéo dài cả chục năm như trước, hiện nay đa phần người dân đều bày tỏ mong muốn việc tháo dỡ, bàn giao mặt bằng nhanh chóng hoàn thiện để sớm ổn định cuộc sống.
Từng "mắc kẹt" với các dự án vướng mặt bằng hàng chục năm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), chỉ rõ: Từ nửa cuối năm 2022, khi UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) cao gấp 35 lần bảng giá đất và tiệm cận giá thị trường, đã mở đường cho công tác tái định cư, GPMB tại các dự án giao thông diễn ra thuận lợi. Tiếp sau đó, UBND TP cũng như lãnh đạo các địa phương thành lập các ban chỉ đạo với quyết tâm lớn, sát sao từng đầu việc, mang đến một không khí rất mới. Từ Thành ủy tới UBND TP lập ra mô hình những ban chỉ huy, chỉ đạo, tổ giám sát rất sát sao, hiệu quả. Không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn động viên, nhắc nhở liên tục. Ở phía dưới, các địa phương cũng lập ban chỉ đạo, chỉ huy do Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo, phối hợp cùng các đoàn thể, Ban bồi thường GPMB, Mặt trận Tổ quốc, thậm chí cả hội phụ nữ… từng ngày, từng giờ đến làm việc với bà con, lắng nghe, chia sẻ, vận động để bà con hiểu và đồng thuận.
Đặc biệt, những thành quả kỷ lục từ dự án Vành đai 3 (rút ngắn 1 - 1 năm rưỡi so với cách làm trước đây; chỉ 1 năm sau khi dự án được duyệt chủ trương đầu tư, TP.HCM đã bàn giao được hơn 70% mặt bằng để tiến hành khởi công) đã chính thức thiết lập tâm thế mới, cách tiếp cận hoàn toàn mới. Vẫn những con người đó, vẫn ở TP.HCM nhưng nếu làm khác đi thì kết quả sẽ tốt hơn, nhanh hơn rất nhiều. Từ tâm thế đó, thời gian qua, hàng loạt địa phương từ Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, TP.Thủ Đức… đồng loạt đưa ra nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt. Một số địa phương trở thành điểm sáng trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân như Q.7, H.Nhà Bè, Q.Bình Tân… tạo điều kiện cho những chùm dự án lớn có điều kiện thuận lợi để bứt tốc.
"Chủ trương chung là triển khai tái định cư tại chỗ cho bà con để không làm xáo trộn công ăn việc làm, sức khỏe và đặc biệt là thế hệ tiếp theo của gia đình. Khu vực tái định cư phải đảm bảo tiêu chí tiếp cận tốt nhất về hạ tầng giao thông, xã hội. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai kết nghĩa giữa khu thi công với khu tái định cư để thường xuyên thăm hỏi bà con sau khi chuyển chỗ ở. Đồng thời, bổ sung hạ tầng tiện ích như công viên nhỏ, thư viện, quỹ khuyến học… Cùng với đó, nhiều địa phương lần đầu tiên triển khai tư vấn bà con sử dụng tiền đền bù sao cho hiệu quả, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, hoặc miễn phí cấp sổ đỏ cho bà con… Các chính sách được vận dụng tối đa, linh hoạt và đa dạng trên từng địa phương với mục tiêu lớn nhất là có giải pháp tình nghĩa để đời sống bà con sau khi bàn giao mặt bằng chỉ được bằng hoặc tốt hơn trước. Đây là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình làm và nhờ vậy, bà con mới hiểu, đồng thuận giao đất cho dự án", ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
Không để lãng phí các dự án tái định cư
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP đang có thực trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa vì nhiều khu tái định cư xây dựng xong nhưng không đáp ứng được nhu cầu nên người dân không đến nhận. Thiếu vì nhiều địa phương không có khu tái định cư gần mà phải bố trí xa. Thống kê cho thấy trên địa bàn TP.HCM có 105 dự án có quỹ nhà tái định cư, nằm rải rác ở TP.Thủ Đức và 20 quận, huyện. Trong khi đa số người dân muốn tái định cư tại chỗ nhưng địa phương không có quỹ nhà, đất để đáp ứng nhu cầu tái định cư. Với nhiều khu tái định cư đã xây dựng, do không sử dụng trong thời gian dài nên căn hộ bị hư hỏng, xuống cấp.
Hiện nay TP đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị quỹ nhà tái định cư để phục vụ các dự án trọng điểm từ 3 nguồn gồm: vốn ngân sách làm dự án hoàn chỉnh, mua lại nhà ở thương mại và sử dụng quỹ nhà ở xã hội. Để không thừa cũng không thiếu nhà tái định cư, TP chỉ đạo các chủ đầu tư phải xác định chính xác nhu cầu của người dân, nhất là nhu cầu tái định cư tại chỗ để có kế hoạch bố trí quỹ nhà, đất tái định cư, nhà ở xã hội. Trong trường hợp quỹ nhà ở của nhà nước không đủ hoặc không phù hợp với nguyện vọng của người dân, thì chính quyền căn cứ nguồn vốn dự án bồi thường được duyệt để mua quỹ nhà ở thương mại nhằm tái định cư, chứ không nhất thiết phải bố trí tại các dự án định sẵn.
Để đẩy nhanh các dự án và chuẩn bị sẵn sàng quỹ nhà tái định cư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, kiến nghị hiện nay TP.HCM đang có quỹ nhà tái định cư dư thừa nhiều lần đem đấu giá mà không được. Trong đó có 2 khu vực lớn là ở H.Bình Chánh và khu tái định cư Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), cộng lại khoảng 10.000 căn. Trước mắt cần tận dụng ngay quỹ nhà này để phục vụ tái định cư cho người dân, nhất là ở khu vực Thủ Thiêm. Đây là khu vực đắc địa nên người dân ở các nơi sẽ đồng ý ngay khi được bố trí nhà. TP cũng cần nâng cấp, sửa chữa, cải tạo mới quỹ nhà này vì đã bỏ hoang quá lâu. Đối với những địa bàn người dân có nhu cầu tái định cư tại chỗ, TP có thể sử dụng các khu đất dôi dư sau khi sắp xếp lại bộ máy hay đất nông trường ở Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Để sử dụng được quỹ đất này thì cần chuyển một phần lên đất ở, sử dụng các diện tích đất công mà nhà nước thu hồi vì sử dụng sai mục đích để xây nhà tái định cư, với đầy đủ tiện ích phục vụ người dân.