Nhảy đến nội dung

TP.HCM: Bộ máy đầu tư công sẽ ra sao khi bỏ cấp huyện?

Tiến độ giải ngân đầu tư công của TP.HCM gặp nhiều thách thức khi phải giải ngân hơn 85.500 tỉ đồng trong bối cảnh bỏ cấp huyện từ tháng 7.2025.

Năm 2025, UBND TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công hơn 85.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư hơn 4.600 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 80.900 tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 4, địa phương giải ngân 6.068 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 7,2%. TP.HCM đặt mục tiêu đến hết quý 2 giải ngân từ 30%, quý 3 đạt 75%, quý 4 trên 95% và đạt 100% vào cuối kỳ báo cáo (tháng 1.2026). Dù vậy, tỷ lệ giải ngân chịu nhiều áp lực khi không còn tổ chức cấp huyện từ ngày 1.7. Hiện cấp huyện giữ nhiều vai trò quan trọng trong đầu tư công, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), điều chỉnh quy hoạch và thực hiện các dự án dân sinh quy mô vừa phải.

LO CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG BỊ ẢNH HƯỞNG

Ông Hứa Quốc Hưng, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, dự báo khi kết thúc cấp huyện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giải ngân đầu tư công, nhất là công tác bồi thường, GPMB. Như H.Củ Chi đang bồi thường cho 2.112 hộ dân để làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 220 ha. Đến nay, huyện tổ chức đấu thầu thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, dự thảo chứng thư, đang thu thập thêm giao dịch để củng cố hồ sơ thẩm định và phê duyệt giá bồi thường.

Ông Hưng cho biết việc bồi thường theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 hơn 1.400 trường hợp đất nông nghiệp và các trường hợp đất ở mà người dân đồng thuận giao trước với tổng giá trị bồi thường khoảng 4.300 tỉ đồng; giai đoạn 2 là các trường hợp còn lại, giá trị bồi thường 782 tỉ đồng. Dự kiến đến ngày 20.6 sẽ kết thúc thời gian niêm yết dự thảo phương án bồi thường, huyện phê duyệt phương án bồi thường, quyết định thu hồi và chi trả bồi thường. "Đến cuối tháng 6 sẽ giải ngân được 4.300 tỉ đồng kinh phí bồi thường", ông Hưng nhận định.

Do đó, ông Hưng kiến nghị Sở Nội vụ khi tham mưu phương án sắp xếp bộ máy cần tính đến việc ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án, giải ngân đầu tư công và các vướng mắc khác liên quan đến người dân, việc chi trả bồi thường, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, cưỡng chế.

Ngoài cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, sắp tới TP.HCM còn triển khai nhiều dự án lớn về hạ tầng cần phải bồi thường, thu hồi đất, có thể kể đến 4 dự án nâng cấp đường hiện hữu theo hình thức BOT (các quốc lộ 1, 13, 22 và đường trục Bắc - Nam), cầu đường Bình Tiên, Vành đai 4, di dời nhà ven kênh rạch...

Liên quan đến tổ chức bộ máy ban bồi thường GPMB khi bỏ cấp huyện từ ngày 1.7, Sở NN-MT TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại 22 ban bồi thường thành 9 ban bồi thường khu vực trực thuộc sở này. Còn với 22 ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng cấp huyện, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất 2 phương án, gồm tổ chức một BQLDA trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện dịch vụ sự nghiệp công hoặc sáp nhập vào 3 BQLDA đầu tư xây dựng cấp thành phố (Ban Giao thông, Ban Hạ tầng, Ban Dân dụng và công nghiệp). Sở Xây dựng đánh giá phương án sáp nhập về 3 BQLDA cấp thành phố sẽ đảm bảo tinh gọn thống nhất đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý.

ĐỀ XUẤT GIỮ NGUYÊN TRẠNG

Tại phiên họp KT-XH mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố đang nghiên cứu thêm phương án chuyển một số nhiệm vụ về các BQLDA lớn cấp thành phố, còn lại chuyển về cho BQLDA cấp phường, xã.

Đối với phương án lập 9 ban bồi thường khu vực của Sở NN-MT, ông Cường cho rằng cần tính toán kỹ, bởi nếu lập tổ chức trung gian thì sẽ phát sinh thêm đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng được một thời gian ngắn rồi cũng phải giải tán.

"Nên lập đơn vị sự nghiệp công lập của phường rồi chuyển giao ngay. Trong giai đoạn chuyển tiếp thẩm quyền, Sở Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn sớm, tránh ách tắc công việc, nhất là công việc bồi thường, tái định cư và quản lý đầu tư dự án đầu tư công", ông Cường cho hay.

Về mục tiêu giải ngân đầu tư công hết quý 2 đạt 30%, ông Cường đánh giá hoàn toàn có thể đạt được nếu đẩy nhanh các dự án khởi công mới và tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Lãnh đạo TP.HCM giao Sở Tài chính sau khi HĐND TP.HCM bố trí vốn thì phân bổ nhanh. Sở Xây dựng rà soát, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, thi công các công trình bệnh viện, trạm y tế...

Về tổ chức bộ máy làm công tác đầu tư công, Sở Nội vụ vừa trình UBND TP.HCM phương án tổ chức lại 22 BQLDA khu vực trực thuộc UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức thành 22 BQLDA khu vực trực thuộc Sở Xây dựng; 22 ban bồi thường GPMB trực thuộc UBND cấp huyện thành 22 ban bồi thường GPMB khu vực trực thuộc Sở NN-MT. Các BQLDA và ban bồi thường GPMB là đơn vị sự nghiệp công lập, được giữ ổn định mức tự chủ như trước khi sắp xếp.

Sở Nội vụ đánh giá phương án sắp xếp trên không làm tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập nên không phát sinh bộ máy, số lượng nhân sự, chi phí hoạt động và không làm gánh nặng ngân sách. Việc giữ nguyên mô hình như hiện nay giúp ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự có chuyên môn và năng lực để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hiện nay. Phần lớn BQLDA và ban bồi thường là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, trong khi nguồn thu từ dự án chỉ nhận được sau khi dự án được phê duyệt. Điều này dẫn đến phường, xã có ít hoặc không có dự án sẽ không có nguồn thu, các BQLDA và ban bồi thường không thể hoạt động ngay từ khi mới được tổ chức lại.

Mặt khác, nếu giữ nguyên trạng, các BQLDA sẽ không phải điều chỉnh chủ đầu tư dự án đang triển khai, tạo thuận lợi trong việc giữ tiến độ dự án, giúp kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mức cao cũng như chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2026 - 2030.

Sau khi sắp xếp bộ máy của 3 địa phương (TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu), Sở Xây dựng và Sở NN-MT sẽ rà soát, tham mưu phương án tổ chức lại các đơn vị theo mô hình phù hợp nhằm tinh gọn bộ máy, nhân sự, đảm bảo đúng với định hướng của T.Ư và TP.HCM.


 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn